Cúm gia cầm có thể xuất hiện rải rác các ổ dịch tại một số địa bàn có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Vì vậy, các địa phương không được chủ quan trong công tác phòng chống dịch. Đó là cảnh báo của ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm diễn ra cuối giờ chiều nay (10/2), tại Hà Nội.
Theo nhận định chung, công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm thời gian qua được các địa phương thực hiện tốt. Cả nước chỉ còn 1 ổ dịch cúm gia cầm tại xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Dịch lở mồm long móng trên gia súc xuất hiện tại 4 xã, thị trấn của tỉnh Bắc Kạn vẫn chưa qua 21 ngày.
Các thành viên Ban chỉ đạo cho rằng, công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm thời gian tới phải chuyển từ bị động sang chủ động, hướng tới giảm thiểu các loại bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm lây lan sang người. Từ đó, góp phần vào tăng trưởng của ngành chăn nuôi.
Một số ý kiến cho rằng, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, các địa phương cần tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm và các chủng virus cúm gia cầm lây sang người. Trong đó, đặc biệt là nguy cơ xâm nhập của chủng virus cúm A/H7N9 thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm trái phép ở các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh có liên quan tới buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh sự phối hợp của các Bộ, ngành thành viên, yếu tố quan trọng nhất là sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương. Thực tế thời gian qua cho thấy, các ổ dịch vừa qua xảy ra nhỏ lẻ và được địa phương phát hiện và xử lý kịp thời nên không lây lan trên diện rộng.
Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, ngành Thú y sẽ tập trung chỉ đạo hệ thống làm từ cấp cơ sở lên từ đó phát hiện những tồn tại, bất cập để kịp thời khắc phục. Bởi thực tế kiểm tra thời gian qua cho thấy, khi các hộ chăn nuôi, cán bộ thú y tuyến xã, huyện làm tốt thì công tác phòng chống dịch ở địa phương và Trung ương rất hiệu quả./.