Có một sự kiện văn học trong năm 2020, nhưng có lẽ mọi người ít để ý bởi vì lúc đó chúng ta dành quá nhiều sự quan tâm chống đại dịch Covid, đó là sự xuất hiện của cuối hồi ký của bà Nguyễn Thị Xuân Phượng.
Lúc xuất bản hồi ký “Gánh gánh gồng gồng”, bà Xuân Phượng đã 93 tuổi và cuốn hồi ký đã được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và sau đó là giải thưởng của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh.
Đối với cá nhân tôi, rất lâu rồi mới có một cuốn sách của Việt Nam giúp tôi đọc một mạch đến hết và cảm thấy xúc động đến như vậy. Tôi không phải là người xa lạ với bác Nguyễn Thị Xuân Phượng, với một số mối quan hệ cá nhân mà tôi may mắn có được.
Nhưng dù là được nghe những câu chuyện của bác lúc này hay lúc khác, cuốn sách đó cũng làm tôi hết sức xúc động và hết sức hấp dẫn, nói về câu chuyện của một trí thức, đi từ trường nữ sinh ở Đà Lạt đến trường Đồng Khánh (Huế), rồi đi theo cách mạng làm y tá, làm quân giới, rồi làm nhà báo, rồi lại làm y sĩ tại phòng khám nhi, sau đó làm bác sĩ ở Trung tâm phục vụ người nước ngoài và cho đến lúc làm một đạo diễn.
Nhưng tôi muốn nhắc đến một khía cạnh khác, ít được mọi người để ý hơn trong câu chuyện của bác Nguyễn Thị Xuân Phượng.
Trong suốt cuộc đời mình, bác Phượng đi làm việc cho đến năm nghỉ hưu, với vai trò là một đạo diễn phim. Đến lúc nghỉ hưu rồi, sau một chuyến đi nước, bác mới khởi nghiệp.
Sẽ thật là khó khăn để hiểu được một câu chuyện, mà một người phụ nữ hơn 60 tuổi, đã rời khỏi nhà nước đã về hưu, mới bắt đầu nghĩ đến việc kinh doanh. Và bà đã thực sự là một nhà kinh doanh thành công cả về tác động xã hội, văn hóa, lẫn thành công về mặt kinh tế.
Bà là chủ của một phòng tranh nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh. Hơn thế, mọi người gọi bà như là một người phụ nữ có ‘bàn tay vàng’, tức là rất nhiều họa sĩ chưa có tên tuổi, nhưng mà với sự hỗ trợ của bà, giới thiệu họ với công chúng, họ đã nhanh chóng trở thành một người nhiều người biết đến.
Phòng tranh của bà đã trở thành địa chỉ được quan tâm của không chỉ các nhà kinh doanh, mà của cả những nhà sưu tập.
15 năm sau khi mở phòng tranh, nhờ những hoạt động không ngừng nghỉ của bà trong việc chia sẻ các tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam, bà còn được tặng Huân chương Bắc Đẩu bội tinh của Chính phủ Pháp cho những thành tích về việc thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia.
Tôi muốn nhắc đến những câu chuyện như vậy để nói rằng, đây là câu chuyện đầy cảm xúc, một tấm gương khởi nghiệp mà tôi nghĩ là ít người nói đến. Chúng ta có thể nói về câu chuyện thành công của ông chủ KFC, khởi nghiệp khi đã về hưu (70 tuổi), nhưng đôi khi chúng ta quên là Việt Nam có những tấm gương như bà Nguyễn Thị Xuân Phượng.
Thay vì sống cuộc đời của một cán bộ hưu trí, nhàn nhã, ít có tác động lớn hơn đến xã hội, thì bà Phượng đã lựa chọn khởi nghiệp với một công việc hoàn toàn mới, một sự nghiệp kinh doanh hoàn toàn mới. Từ đó, bà xây dựng được một di sản, cả về tài chính, tạo ra nhiều công ăn việc làm, cũng như là tạo ra được một địa chỉ nghệ thuật. Và đối với cá nhân, bà có được một cuộc sống vui vẻ thú vị.
Tôi nghĩ những tấm gương như bà Nguyễn Thị Xuân Phượng, có lẽ nên được nói đến, nên được đề cập nhiều, bởi nó sẽ khích lệ rất nhiều phụ nữ, khích lệ rất nhiều bạn trẻ, và khích lệ rất nhiều người ở độ tuổi trung niên hay cao niên.
Chúng ta chưa bao giờ muộn để bắt đầu khởi nghiệp, để bắt đầu làm một việc gì đó, những việc có thể tác động đến xã hội./.