Những ngày này, người dân khắp nơi đổ về các cánh rừng thuộc tỉnh Khánh Hòa để khai thác quả ươi. Được mùa, được giá, nhiều người ngang nhiên chặt hạ cây ươi để tận thu quả ươi, làm xơ xác những cánh rừng.
Người dân tận thu ươi bằng cách cưa đổ cây để hái quả.
Tại phía tây huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, rừng ươi đang mùa rộ quả. Ươi được mùa lại bán được giá nên từ đầu tháng 6 đến nay, từng tốp người cả dân địa phương và những nơi khác đều đổ xô lên rừng khai thác ươi. Những năm trước, mọi người chỉ nhặt những quả ươi đã rụng. Nhưng năm nay, nhiều người đi thành từng nhóm từ 3 - 7 người mang theo cưa máy vào rừng đốn hạ cây ươi.
Ông Nguyễn Tuấn Sơn, người dân ở tỉnh Phú Yên lên khai thác ươi tại huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết đi hái ươi có ngày kiếm được hàng triệu đồng. “Hái được quả ươi phải vất vả lắm, lên cao mới có. Cây ươi vừa cao, vừa to, hạ cây xuống hái rất nhanh. Thu hoạch ươi đem bán cũng được giá, khoảng 200.000-300.000 đồng/kg. 3 người hái một ngày cũng được 15-20kg. Tuy nhiên, khi đã hạ cây xuống rồi thì phải 10 năm sau cây nó mới lên lại”, ông Sơn cho biết.
Tại 2 huyện Khánh Sơn và huyện Vạn Ninh, người khai thác ươi vào rừng dựng lán trại, sau đó đánh dấu, phân chia từng cây ươi để chờ ngày hái quả. Hàng ngày, mỗi nhóm này chặt hạ từ 2 đến 4 cây ươi, mỗi cây chỉ thu được vài chục kg quả già, còn quả xanh, non bỏ lại.
Hái quả ươi sau khi hạ cây.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Kiểm lâm các địa phương phối hợp với các chủ rừng vận động người dân tận thu ươi bằng cách nhặt quả rụng, đồng thời tăng cường kiểm soát các cơ sở thu mua ươi. Tuy nhiên, do địa hình rừng núi phức tạp nên việc bảo vệ gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Khương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa lo ngại với cách khai thác tận diệt như hiện nay, chẳng bao lâu nữa nguồn lợi từ rừng ươi sẽ không còn.
Quả ươi tươi được phơi khô để đem bán
Với cách khai thác tận diệt hiện nay, đến một ngày nào đó sẽ không còn cây ươi nữa. Chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tăng cường vận động, tuyên truyền bà con nhân dân thu lượm chứ không nên chặt phá. Nếu giữ lại cây ươi là giữ lại nguồn gien giống quý, giữ lại sản phẩm cho bà con để có thể thu lượm hàng năm”./.