Tại cuộc họp sáng 5/11, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát yêu cầu, các địa phương tập trung kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trển biển, xem xét lệnh biển đối với các địa phương trong vùng nguy hiểm của áp thấp nhiệt đới sắp mạnh lên thành bão (bão số 13) tiếp cận bờ. 

phong-chong-bao-1.jpg
Đại tá Phạm Văn Tỵ đề nghị các địa phương quyết liệt kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú tránh bão

Đến 6h sáng 5/11, lực lượng biên phòng tuyến biển đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền cho gần 80.000 phương tiện với khoảng 360.000 người biết diễn biến bão để chủ động di chuyển phòng tránh. Đại tá Phạm Văn Tỵ, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, hơn 234.300 cán bộ, chiến sĩ, cùng gần 2.200 phương tiện các loại đã được huy động sẵn sàng ứng phó và giúp đỡ tàu, thuyền của ngư dân trong trường hợp bất trắc. Đáng lo ngại hiện nay là khu vực giữa biển Đông và quần đảo Trường Sa còn 1.043 phương tiện, với hơn 13.000 lao động đang hoạt động. Đại tá Phạm Văn Tỵ đề nghị: Hiện nay, còn rất lớn số lượng tàu thuyền trong vùng nguy hiểm. Công tác kêu gọi tàu thuyền cũng đã được các địa phương thông báo đến các phương tiện. Tuy nhiên, việc hướng dẫn các tàu thuyền di chuyển như thế nào vẫn chưa được các địa phương nắm rõ. Vì vậy đề nghị Bộ trưởng yêu cầu các địa phương tập trung quyết liệt vấn đề này.

Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới (bão số 13), Trưởng ban chỉ Trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương tập trung kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trển biển, xem xét lệnh biển đối với các địa phương trong vùng nguy hiểm của áp thấp nhiệt đới sắp mạnh lên thành bão (bão số 13).

Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương họp khẩn bàn giái pháp ứng phó áp thấp và bão trên biển Đông

Ông Cao Đức Phát đặc biệt lưu ý, bão mặc dù cường độ không mạnh nhưng lại di chuyển qua vùng biển có mật độ tàu, thuyền rất lớn, khu vực bão đổ bộ nhiều nhà dân còn đơn sơ. Ngoài việc kêu gọi tàu thuyền trên biển, các thành viên Ban chỉ đạo đôn đốc lực lượng phối hợp cùng các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó bão cả trên biển và đất liền. Văn phòng Ban chỉ đạo phối hợp với Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thường xuyên cập nhật tình hình thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến bão để người dân chủ động phòng tránh. Tàu thuyền ở phía Bắc quần đảo Trường Sa thì di chuyển lên phía Bắc, ở phía Nam thì đi về phía Nam dưới vĩ tuyến 8, tàu thuyền gần bờ thì vào bờ trú tránh. Ông Cao Đức Phát nêu rõ: Trên biển thì ngư dân chỉ theo dõi diễn biến bão qua đài phát thanh, Icom vì vậy chúng ta phải thường xuyên theo dõi cập nhật diễn biến để hướng dẫn cụ thể cho ngư dân. Đối với vùng ven biển, từ ngày mai (6/11) thực hiện lệnh cấm biển, tổ chức hướng dẫn và sơ tán lồng bè hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tránh va đập chìm đắm. Trên đất liền thì sơ tán dân những vùng ven biển, cửa sông hướng dẫn cho người dân chằng chống nhà cửa. Rà soát và điều tiết nước các hồ chứa. Tất cả những công việc này phải hoàn thành trước 19h tối 6/11.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: nhiều khả năng vùng tâm áp thấp nhiệt đới (bão số 13) sẽ đi vào vùng biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bà Rịa Vũng Tàu, vùng nguy hiểm của bão được xác định từ Bắc vĩ tuyến 8 đến Nam vĩ tuyến 15. Dự báo đêm mai (6/11), rạng sáng 7/11 bão cập bờ, với cường độ cấp 8, cấp 9, hướng di chuyển chệnh xuống Nam bộ. Đáng lưu ý là theo sau áp thấp nhiệt đới còn có một cơn bão khác có tên là Hải Yến (Haiyan) đang tiến nhanh về phía Đông Nam biển Đông. Cả áp thấp nhiệt đới và bão Hải Yến có nhiều khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến quần đảo Trường Sa và đất liền các tỉnh Nam Trung bộ và Đông Nam bộ nước ta.

Để tiếp tục bàn các giải pháp ứng phó áp thấp nhiệt đới và bão, 15h chiều 5/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải sẽ chỉ đạo cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương với các tỉnh trong vùng ảnh hưởng của áp thấp và bão./.