Để chủ động ứng phó với bão số 14, tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức trực ban, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng cứu khi bão đổ bộ…

Tỉnh đồng thời lên phương án sơ tán, di dời hơn 29.000 hộ dân với hơn 110.000 nhân khẩu ở các vùng xung yếu, vùng sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn ...

Hiện các hồ thủy điện Hương Điền, Bình Điền, A Lưới đang ở mực nước dâng bình thường, tỉnh yêu cầu các nhà máy này tiến hành xả nước để có dung tích phòng lũ khi bão đổ bộ…

Sáng nay, tỉnh Bình Định đã phân công lãnh đạo xuống các địa bàn xung yếu, đặc biệt các xã ven biển, vùng miền núi có nguy cơ bị sạt lở để kiểm tra và trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó với siêu bão.

Hiện công tác sơ tán dân vùng ven sông, ven biển, vùng nguy cơ lũ quét, lở núi đang được các địa phương trong tỉnh gấp rút triển khai.

Cùng với việc lên phương án di dời dân, tập trung kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh, trú bão an toàn, thu hoạch nhanh lúa và hoa màu, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương cũng đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn các hồ chứa nước và tàu thuyền neo đậu tại các khu tránh, trú bão.

Tại cuộc họp khẩn với các địa phương trong tỉnh hôm nay, ông Nguyễn Văn Thiện - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định chỉ đạo các địa phương phải khẩn trương di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm trước khi bão đổ bộ.

Hôm nay, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp tục kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào nơi tránh trú an toàn và chủ động sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm ven biển, ven cửa sông trước khi bão đổ bộ vào bờ.

7 giờ sáng nay, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An đã phát lệnh cấm biển không cho tàu thuyền ra khơi.

Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp với các địa phương triển khai biện pháp kêu gọi hơn 4.000 phương tiện, với 2.083 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản về đất liền hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn, vì sóng biển có thể dâng cao từ 6 đến 10m; tổ chức các phương án sơ tán, di dời tất cả nhân dân trong vùng nước biển có thể dâng cao từ 6 đến 10m đến nơi an toàn tuyệt đối.

Bộ đội Biên phòng Nghệ An phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động nhân dân tập trung chằng chống nhà cửa, công sở, trường học, phát gọn cây xanh…

Trước dự báo bão 14 sẽ có những diễn biến phức tạp, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định hoãn tất cả các cuộc họp để chỉ đạo công tác triển khai công tác phòng chống bão.

Theo đó, vào đúng 17h  chiều nay, Hà Tĩnh sẽ hoàn tất công tác di dời người dân ở các huyện như: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Nghi Xuân....

Theo Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, đến thời điểm này đã có gần 4.000 tàu thuyền, với trên 14.100 lao động vào bờ tránh trú bão an toàn, hiện chỉ còn 15 tàu nhỏ đánh bắt gần bờ đang trên đường về.

Dự kiến, trưa nay sẽ về nơi neo đậu an toàn. Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh huy động hàng trăm chiến sĩ xuống giúp bà con sơ tán đến nơi an toàn, đồng thời yêu cầu các đơn vị chuẩn bị tàu, lương thực, thực phẩm... cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra.

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của bão số 14, từ đêm nay mực nước trên các sông từ Quảng Ngãi đến Thừa Thiên Huế sẽ lên, sau mở rộng ra các sông từ Quảng Trị đến Thanh Hóa.

Trong đợt lũ này, mực nước các sông ở Quảng Ngãi đến Quảng Bình, thượng nguồn các sông ở Hà Tĩnh có khả năng lên mức báo động 2 – báo động 3, có nơi trên báo động 3; các sông từ Bình Định đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Thanh Hóa, Nghệ An và hạ lưu sông La, lên mức báo động 2, có nơi trên báo động 2.

Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo, cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt sâu tại vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên. /.