Sáng nay (9/12), tại Hà Nội, Bộ Y tế và Báo Lao động phối hợp tổ chức Diễn đàn bảo vệ người lao động ngành y chống bạo hành trong bệnh viện. Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh, an ninh bệnh viện diễn ra khá phức tạp, các vụ hành hung nhân viên y tế đang có xu hướng tăng; chỉ tính hơn 1 năm qua đã xảy ra ít nhất 14 vụ nhân viên y tế bị hành hung tại các bệnh viện trong cả nước.

y_te_vlez.jpg 
Diễn đàn bảo vệ người lao đông ngành y chống bạo hành trong bệnh viện

Tại diễn đàn, các nhà quản lý ngành y, luật sư, công an và bác sỹ đều bày tỏ lo ngại khi thời gian gần đây xảy ra không ít vụ việc bác sỹ, điều dưỡng bị người nhà bệnh nhân hoặc côn đồ hành hung, gây chấn thương nặng, thậm chí tử vong. Hiện chưa có thống kê cụ thể về các vụ bạo hành nhân viên y tế.

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Y tế, từ năm 2013 đến nay đã có 14 vụ hành hung nhân viên y tế tại các bệnh viện trong cả nước. An ninh bệnh viện là vấn đề không mới, bởi được cảnh báo nhiều lần, thậm chí đã có những hội thảo về vấn đề này. Tuy nhiên, chưa có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng này. Trong khi đó, nguy cơ nhân viên y tế bị hành hung đang có xu hướng tăng.

Theo Luật sư Trần Quang Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Công ty Luật Hùng Vương, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vừa nêu là các biện pháp đảm bảo an ninh tại bệnh viện chưa được quan tâm đúng mức. Luật sư Trần Quang Mỹ cũng cho rằng, các bệnh viện lớn nên hợp đồng với Luật sư để giúp xây dựng những quy chế của bệnh viện và xem xét các điều kiện đảm bảo an ninh trật tự.

Giáo sư Trần Quỵ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thừa nhận, sai sót và tai biến y khoa luôn thường trực. Thái độ, hành vi không đúng của người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân khi không được thỏa mãn yêu cầu có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trong khi đó, do tình trạng quá tải tại bệnh viện, có những lúc thầy thuốc không có đủ điều kiện để đáp ứng những yêu cầu từ phía bệnh nhân. Tuy nhiên, theo Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", trước hết các thầy thuốc cần thực hiện tốt quy tắc ứng xử, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ, tăng cường kỹ năng giao tiếp, giải thích cho bệnh nhân.

“Y đức cao nhất của người thầy thuốc là giỏi chuyên môn để chẩn đoán đúng và điều trị tốt cho người bệnh. Cứu sống được bệnh nhân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên đó là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải có tính chuyên nghiệp, ứng xử giao tiếp tốt, muốn vậy, thầy thuốc phải am hiểu về tâm lý xã hội. Có một quan điểm cần phải được quán triệt tốt là phục vụ người bệnh, coi người bệnh là trung tâm”, ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết thêm.

Cũng tại diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng, nguồn gốc sâu xa của những bất cập, trong đó có việc mất an toàn trong bệnh viện là tình trạng quá tải bệnh nhân đang diễn ra tại nhiều bệnh viện tuyến trên và bệnh viện chuyên khoa. Do vậy, giảm tải bệnh viện là biện pháp căn cơ để đảm bảo an toàn cho cả thầy thuốc và bệnh nhân./.