Cụ thể, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty Thoát nước Hà Nội, Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị Hà Nội tập trung lực lượng, phương tiện hoàn thành nạo vét hồ trước ngày 7/5. Công ty Nước sạch Hà Nội có nhiệm vụ tiếp tục bổ cập nước vào hồ đến độ cao cách đỉnh kè 15cm, hoàn thành trước ngày 29/4.

Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội được yêu cầu chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương làm mái che đối với các bể chữa trị rùa, thường xuyên thay thế, bổ sung nước vào bể, bảo đảm nhiệt độ ổn định, không ảnh hưởng tới rùa Hồ Gươm. Văn bản cũng quy định rõ, Sở Tài nguyên và Môi trường phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng nước hồ; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan xác định thành phần, tỷ lệ các chất trong nước, tìm giải pháp thực hiện để phù hợp với sự phát triển bền vững của môi trường sinh thái hồ. Bên cạnh đó, hội đồng chăm sóc, chữa trị rùa Hồ Gươm có nhiệm vụ thực hiện các phương án chăm sóc, chữa trị cho rùa hồ Gươm phù hợp với điều kiện thời tiết. Hội đồng chăm sóc cũng được yêu cầu nghiên cứu, đề xuất giải pháp gắn thiết bị theo dõi khi thả rùa về môi trường tự nhiên.

Tiến sĩ Bùi Quang Tề, tổ trưởng tổ chẩn đoán và chữa trị Rùa hồ Gươm cho biết, các vết thương lở loét trên mình cụ Rùa đã lành lại, sức khỏe cụ Rùa ổn định, chỉ chờ công tác nạo vét hồ Gươm hoàn thành, có thể đưa cụ trở lại môi trường hồ Gươm.

Cách thức nạo hút bùn hiện tại là sử dụng phương pháp thủ công, chủ yếu là bơm nước hồ, nạo vét bùn đáy bằng máy xúc. Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu về môi trường, đây là biện pháp không khoa học, hệ sinh thái hồ có thể bị phá hủy và không thể phục hồi.

Nếu môi trường hồ bị phá vỡ, nhiều chuyên gia lo ngại cụ rùa sẽ mắc bệnh trở lại, hoặc không quen với thay đổi môi trường quá đột ngột so với hệ sinh thái hồ cả trăm năm nay.