Năm 1990, Anh hùng Lao động ngành chè Trần Thị Bích Thảo nghỉ hưu, rời đồng rừng về sinh sống trên mảnh đất bố mẹ chồng dành cho ở phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Hai vợ chồng hưu trí sống đạm bạc sum vầy với 3 con và 6 cháu nội, ngoại. Cuộc sống người anh hùng giữa đời thường cứ lặng lẽ trôi theo tháng ngày, nhưng trong chị vẫn canh cánh một niềm đau là đã lên bà mà vẫn chưa tìm thấy mẹ đẻ, chưa biết quê gốc của mình ở đâu...

Rồi có một ngày, chiều 3/6/2010, mở đầu cuộc họp chi bộ hằng tháng, như lệ thường, Bí thư chi bộ khu dân cư số 6 Hà Thị Minh Thanh chúc mừng các đảng viên có ngày sinh trong tháng. Chị xúc động thông báo để các đồng chí cùng mừng là Anh hùng Lao động Trần Thị Bích Thảo đã tìm thấy mẹ đẻ sau 65 năm mong đợi. Chị  Bích Thảo run run nâng chén rượu, nghẹn ngào:

- Các bác, các anh, các chị ơi, mừng cho em. Từ nay em đã có mẹ rồi.

Câu chuyện bắt đầu từ một ngày đẹp trời

Ngày đầu tháng Ba năm Canh Dần đang vào mùa lễ hội, chị Nguyễn Thị Thu Hồng ở Thái Bình bất ngờ lên Hà Nội thăm Bích Thảo. Đôi bạn gái một thời gắn bó với nhà máy chè Hạ Hòa, (Vĩnh Phú) lâu ngày gặp lại, mừng khôn xiết. Có bao nhiêu câu chuyện vui buồn để kể cho nhau nghe, nhưng Thu Hồng nói ngay:

- Hượm. Mình phải kể ngay chuyện này cho Thảo nghe đã. Có bà cụ ở quê đến nhà chơi kể lại là có đứa con gái bị lưu lạc từ năm đói 1945  cho đến nay chưa tìm thấy. Cụ ước ao trước khi nhắm mắt xuôi tay mà được nhìn thấy mặt con thì thật là thỏa nguyện. Mình chợt nhớ đến hoàn cảnh của Thảo. Càng ngắm mình càng thấy gương mặt của Thảo rất giống cụ. Mừng quá, mình lên đây báo cho Thảo biết.

Ít ngày sau, hai con trai của cụ là Trần Du, bộ đội phục viên và Trần Duy, cán bộ công an đến tìm Bích Thảo. Ngắm chị hồi lâu, Trần Duy nói qua nước mắt:

- Chị ơi, mười phần thì chị giống mẹ quá nửa. Đúng là chị của chúng em đây rồi.

Ngày Chủ nhật, 24 tháng Ba (âm lịch), Trần Thị Bích Thảo về quê lúa Thái Bình nhận mẹ.

Chưa hình dung ra con gái cả thế nào, cụ bà Vũ Thị Dần chỉ nhớ con gái tuổi Ngọ, lên ba, nói nhiều nên cả nhà gọi là con Vẹt. Nhưng vừa nhìn thấy ba người phụ nữ luống tuổi cùng đi vào sân, cụ ôm chầm lấy Thảo kêu lên:

- Trời ơi, con Ngọ. Con về với mẹ đấy ư?

Hai mẹ con ôm nhau khóc, cười mà vai áo đầm nước mắt. Mẹ già 84 tuổi ôm con gái đầu lòng 68 tuổi sau 65 năm xa cách. Có nghĩa là mới 16 tuổi mẹ đã sinh con, 19 tuổi, mẹ con ly biệt cho đến bây giờ.

Anh-Chu-Nuoi-1.jpg

Anh hùng Lao động Trần Thị Bích Thảo và mẹ

Chuỗi ngày truân chuyên

- Cái đận tháng Ba năm đói ấy cơ cực lắm con ơi…

Cụ Dần thương cảm kể lể như người mắc lỗi:

… Cả tổng, cả làng, nhà nhà đều đói, đói vàng cả mắt. Chuyện bán vợ đợ con là thường tình. Người chết đói đầy đường. Vét hết rương, hòm, thúng, mủng, cả nhà ta chỉ còn nắm gạo, mẹ nấu ba bát cháo loãng để cầm hơi, nhưng bố không ăn, bỏ đi để nhường phần cháo cho con. Hết cái ăn, mẹ bế con về bên ngoại, nhưng nhà ngoại cũng không khác gì nhà ta, ai cũng đói rã chờ chết. Bác của con bảo: “Bây giờ, hai mẹ con ôm nhau rồi sẽ chết cả hai. Còn chút hơi sức, để anh mang cháu lên Hà Nội xin ăn, may ra cứu được cháu”. Cho con đi rồi mẹ như cái bóng không hồn… khắc khoải nhớ con và cầu mong trời phật phù hộ cho con có chốn nương thân.

Mới ba tuổi, thân gầy, nhem nhuốc, cái Vẹt lăn lóc nơi đầu đường xó chợ Hà Nội, hết Chợ Mơ đến Ô Đông Mác, Lò Đúc. May sao, có người phụ nữ bắt gặp ở phố Lò Đúc mang Vẹt về cho em gái nuôi. Vợ chồng ông Nguyễn Văn Ba, bà Lưu Thị Bát ở thôn Lâm Hộ, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh ăn ở với nhau cả chục năm mà chưa có mụn con liền nhận Vẹt làm con nuôi, đặt tên là Lan.

Nhận con nuôi được mấy năm thì ông bà sinh liền 5 người con. Đông anh, đông em cũng đi liền với khốn khó. Lan lớn lên trong nhọc nhằn, đói kém và trở thành lao động chính của gia đình. Cuộc sống khốn khó đâm ra quẫn bách, nhiều phen Lan bị bố mẹ nuôi mắng chửi, đuổi ra khỏi nhà. Tủi cực và chua xót, Lan muốn đi thật xa, đi nhiều nơi để tìm lại bố mẹ đẻ. Nhưng ước ao cũng chỉ là ước muốn mà thôi.

Thấu hiểu tình cảnh của Lan, bà Hoàng Thị Thục, bạn thân của nhà Cách mạng lão thành Xuân Thủy, giới thiệu cô cho em gái của ông vừa sinh con. Vậy là từ tháng 10/1962, Lan về số 40 Tràng Thi, Hà Nội trông em cho gia đình bà Nguyễn Thị Lý, ông Trần Xuân Bình. Ông Bình làm Trưởng ty Lao động Phú Thọ, bộn bề công việc nên thỉnh thoảng mới về Hà Nội. Bao nhiêu công việc lớn nhỏ trong nhà Lan phải làm, nhưng vẫn vui vì có sự cảm thông, chia sẻ của bố mẹ nuôi mà cô kính trọng gọi là cậu, mợ. Từ đây, Lan có tên mới là Trần Thị Bích Thảo.

Năm 1964, Thảo xin cậu mợ đi làm công nhân và được nhận việc ở trại chè, Nông trường Thái Ninh, thuộc huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Lan thỏ thẻ:

- Con cảm ơn cậu mợ đã tìm việc làm cho con. Nhưng cậu ơi, làm công nhân mà suốt ngày chỉ đi trồng chè với hái chè thì chán chết.

Cậu Bình cười đôn hậu:

- Con ơi, muốn làm công việc khác thì phải biết chữ, phải học chứ.

Thảo ngộ ra, cuộc đời đi ở, làm con nuôi chỉ được nơi ở, miếng cơm mà thiếu đủ thứ, thiếu nhất là chữ. Thảo miệt mài ngày đêm học bổ túc để rồi khi chuyển về Nhà máy chè Hạ Hòa đã có chút vốn liếng chữ nghĩa kha khá đặng làm chủ công việc.

Một hôm, trong cuộc họp của những người trẻ tuổi, vị chủ tọa tuyên bố: “Ai thanh niên thì về, ai Đoàn viên thì ở lại”. Thảo chạy vụt ra khỏi phòng họp mà nước mắt giàn giụa. Như cây cỏ bật mầm sau cơn mưa chuyển mùa, Thảo lao vào mọi công việc của nhà máy, học hỏi các cô các chú đi trước, bàn bạc, cùng học, cùng làm với bạn cùng trang lứa. Gặp việc khó không chịu bó tay mà nghĩ ra sáng kiến, tháo gỡ khó khăn. Tháng 2/1966, Thảo được kết nạp vào Đoàn Thanh niên, tháng 1/1969 là Đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1970 là chiến sỹ thi đua ngành chè. Có ai ngờ cô gái mảnh dẻ nơi đồng rừng Trần Thị Bích Thảo không chỉ đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua 15 năm liền, và trở thành Anh hùng Lao động ngành chè vào năm 1985.

Ngày đứng trên bục cao nhận danh hiệu cao quý, có nhà báo hỏi Bích Thảo đã làm gì để trở thành Anh hùng Lao động, chị cười hiền và nhỏ nhẹ: “Em chả làm được việc gì to tát cả mà chỉ biết góp nhặt những công việc nho nhỏ trong sản xuất của nhà máy như là hợp lý hóa sản xuất để giảm lao động mà lại đạt năng suất cao, hay bố trí lại sản xuất, phân bổ lại lực lượng lao động cho giờ máy, ca máy chạy liên tục để tiết kiệm thời gian”. Theo Bích Thảo, thời gian là vốn quý, quý hơn cả vàng mười. Vì trong đó có lao động, có sáng tạo và riêng Bích Thảo có sự đợi chờ khoắc khoải được tìm lại bố mẹ đẻ, tìm lại nơi "chôn rau cắt rốn".

25 năm, trọn một phần tư thế kỷ được phong Anh hùng Lao động, Trần Thị Bích Thảo đã có được khoảnh khắc thời gian quý báu ấy. Chị đã tìm được mẹ đẻ, đã về với quê nhà xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình./.