Đến sáng 3/8, tại thành phố Hải Phòng, gần 4.000 phương tiện, lồng bè với hơn 11.000 lao động đang hoạt động trên biển đã vào nơi tránh trú bão an toàn. Thành phố Hải Phòng cũng ra lệnh cấm không cho tàu thuyền ra khơi và dừng mọi hoạt động vận chuyển khách du lịch, bến phà phương tiện đường thủy nội địa bắt đầu từ 17h chiều 3/8.
Nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, sáng nay đồng chí Nguyễn Văn Thành, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng đến kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão số 5 ở quận Đồ Sơn. Từ đêm 2 đến sáng 3/8, các huyện Thủy Nguyên, Kiến Thụy, Cát Hải… tổ chức sơ tán hàng nghìn người dân ở các khu vực xung yếu đến nơi an toàn. Đặc biệt, đối với các trường hợp cố tình không thực hiện sơ tán chính quyền địa phương kiên quyết xử lý. Các đơn vị tổ chức ứng trực suốt ngày đêm, bảo đảm hậu cần tại chỗ, chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ người dân.
Ông Bùi Trung Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải cho biết: “Tối 2/8, chúng tôi đã di chuyển được 1.518 tàu thuyền về tránh trú bão ở những nơi theo đúng quy định 52 lồng nuôi trồng thủy sản về nơi trú ẩn an toàn. Còn về sơ tán nhân dân ở khu vực đảo Cát Hải vùng thấp ở tại chỗ là gần 1.400 người, và đi sơ tán vào đất liền, ra đảo Cát Bà gần 1.000 người. Hiện nay, về thường trực bão, chúng tôi đã huy động 100% lực lượng của các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn trực ở những khu vực trọng yếu, Ví dụ như hôm 2/8 ở khu vực đảo Cát Hải, chúng tôi đã huy động hơn 100 cán bộ chiến sĩ đến hỗ trợ cho việc tuyên truyền sơ tán nhân dân”.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 5 nên từ đêm qua đến sáng 3/8, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có mưa rất to, lượng mưa đo được khoảng 120mm, gió cấp 5, cấp 6. Đến thời điểm này, tất cả các phương tiện tàu thuyền hoạt động trên biển đã vào nơi tránh trú an toàn. Đồng thời việc di dời hơn 1.134 người dân ở những vùng đê xung yếu và người lao động trên các chòi nuôi ngao, đầm nuôi trồng thủy sản ven biển đã hoàn thành trước 8h sáng 3/8. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Ninh Bình cũng cử cán bộ túc trực tại những điểm đê, kè xung yếu để có phương án gia cố kịp thời. Ngành điện lực, doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh phân công lực lượng thường trực suốt ngày đêm, bảo đảm hệ thống điện và thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác phòng chống lụt bão.
Ông Trần Văn Bách, Phó Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Ninh Bình cho biết: “Lực lượng công an, bộ đội, bộ đội biên phòng huy động 100% để giúp dân ở những vùng xung yếu, đặc biệt là ở những vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn di chuyển dân, chằng chống nhà cửa, các điểm xung yếu trực. Chống úng ngập, huy động toàn bộ các trạm bơm, đặc biệt là công ty khai thác công trình thủy lợi, các đội công trình thủy lợi trực 24/24 tại các cống, khi mà thoát nước ra thì toàn bộ hệ thống cống phải mở để tiêu thoát nước. Các trạm bơm chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, đặc biệt ngành điện lực trực, đảm bảo các trạm bơm có điện để tiêu thoát nước./.