Hiện tỉnh Hà Tĩnh có 345 hồ chứa, trong đó có 49 hồ chứa do Công ty Thủy lợi Bắc, Nam Hà Tĩnh, 296 hồ do các địa phương quản lý và 2 hồ thủy điện. Thường trực 24/24h theo dõi chặt chẽ và chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động xử lý các hồ nhỏ và vừa do địa phương quản lý.

Các hồ chứa lớn vận hành theo đúng quy trình, chủ động điều tiết xả lũ để đảm bảo an toàn đập và hạ du. Hồ Bộc Nguyên đã mở rộng khẩu độ tràn thêm 17,5m, hạ thấp cao trình xuống 1,5 m, hồ Kẻ Gỗ hiện đang xả tràn với lưu lượng 350 m3/s, các hồ Sông Rác, Kim Sơn, Thượng Sông Trí, Tàu Voi xả lũ và vận hành theo đúng quy trình.

Thủy điện Hố Hô sẽ mở tự do 3 cánh cửa van cung, đưa mực nước về mức đáy tràn (Ảnh Báo Hà Tĩnh)

Ông Phạm Đăng Nhật, Giám đốc Công ty thủy lợi hồ Kẻ Gỗ cho biết: “Hồ Kẻ Gỗ có quy trình khá nghiêm ngặt. Chúng tôi chủ động điều tiết trên căn cứ diễn biến thời tiết, lượng mưa và tính toán khả năng. Do ảnh hưởng của cơn bão số 14, dự kiến vùng Hà Tĩnh sẽ có mưa từ 300-400mm. Hiện nay chúng tôi đã thực hiện xả tràn trên 350m3/s”.

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh thì đến thời điểm này, tại 2 hồ thủy điện là Hồ Hô và thủy điện Hương Sơn hiện treo cả 3 cửa tràn xả lũ tự do với lưu lượng 56 m3/s. Theo tính toán, nếu tình huống cực đoan xảy ra với lượng mưa trên 500 mm, nguy cơ sự cố tại các công trình thủy lợi là rất cao. Đó là lý do mà phương án mở rộng tràn phụ, chủ động đưa mực nước về mức thấp nhất trước bão đã được các ngành chức năng tính tới.

Cửa tràn phụ của hồ Bộc Nguyên đã được mở rộng nhằm đảm bảo hoàn thành xả lũ (Ảnh Báo Hà Tĩnh)

Ông Bùi Lê Bắc, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh nói: “Hiện nay nhạy cảm nhất là những hồ lớn như hồ Kẻ Gỗ chứa 345 triệu m3 nước, cùng với đó là hồ Bộc Nguyên với khoảng trên 20 triệu khối m3 nước. Nếu hai hồ này đồng loạt xả lũ sẽ gây nguy cơ cho hạ du và thực tiễn năm 2010 chúng tôi đã chứng minh điều đó”./.