Đi dọc tuyến đường Phạm Hùng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đến đầu đường Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân, Hà Nội), có thể nhìn thấy rõ những hầm đường bộ hiện đại được xây dựng để giúp người đi bộ qua đường an toàn.
Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà hai cụm hầm đường bộ, một ở ngay gần cổng Trung tâm Hội nghị Quốc gia và một ở ngay đầu đường Khuất Duy Tiến vẫn đang còn ngổn ngang đất cát, cửa hầm đường bộ thì bị khóa.
Đường hầm đi bộ ở khu vực gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia vẫn đóng cửa cài then |
Anh Đoàn Trắc Hưng, người dân sống ở gần khu vực này cho biết, những hầm đường bộ này đã bị bỏ nhiều năm nay nhưng không thấy cơ quan nào đến sửa chữa. Vì vậy, người dân vẫn phải băng qua đường để đi dù biết rất nguy hiểm đến tính mạng.
Hầm đường bộ Ngã Tư Sở khá khang trang và sạch sẽ, hệ thống đèn được bật sáng, hai làn đường dành cho người đi bộ và xe đạp đều được quét dọn. Hầm có hệ thống máy bơm thoát nước và camera giám sát an ninh. Tuy nhiên, số người đi bộ và xe đạp có nhu cầu qua đường chọn sang đường bằng đường hầm vẫn không nhiều. Vào giờ cao điểm, người qua lại hầm phần lớn là các bậc trung niên và cụ già. Giờ tan học, có vài nhóm học sinh đạp xe qua, một vài người đi bộ qua hầm lần đầu vẫn phải dừng lại hỏi đường do thiếu sự chỉ dẫn.
Theo ghi nhận của phóng viên, rất nhiều hầm đi bộ hiện nay đang trong tình trạng "đắp chiếu". Tuyến đường Phạm Hùng (quận Cầu Giấy) và tuyến đường Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân) có nhiều điểm hầm đường bộ nằm rải rác, nhưng thực tế, chỉ 4 điểm được đưa vào sử dụng ở khu vực gần bến xe Mỹ Đình và khu vực đường Trần Duy Hưng. Số còn lại đều bị khóa kín cửa, bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, thành nơi để đồ…, khiến người dân vẫn phải “băng” qua mặt đường. Nhiều cửa hầm đường bộ được trưng dụng làm nơi bán trà đá. Ghế nhựa, cốc chén, đồ đạc để ngổn ngang, chắn hết lối đi.
Ông Trần Đức Hùng, một người dân sống ở gần khu vực Bến xe Mỹ Đình cho biết: “Đúng là hiện nay các hầm đường bộ ít được người dân sử dụng, thậm chí nó còn là tụ điểm của các tiêu cực. Bên cạnh đó, do ý thức của người dân không cao nên nếu không bắt buộc thì người ta không làm. Theo tôi bây giờ bắt buộc người dân đi vào hầm đường bộ hơi khó vì cơ quan chức năng không đủ người để làm việc này nên dẫn đến tình trạng hầm đường bộ không phát huy được hiệu quả như hiện nay”.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, ngoài nguyên nhân xuất phát từ ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, tình trạng trên còn do các cơ quan chức năng chưa khảo sát kỹ lưỡng trước khi xây dựng.
Công tác tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng cầu, hầm đường bộ chưa hiệu quả cùng với chế tài xử lý người đi bộ không đúng, quy định chưa nghiêm, cơ sở hạ tầng tiếp cận với hầm như tàu điện, xe buýt, siêu thị, khu vui chơi... chưa đồng bộ, dẫn đến một số hầm đi bộ chưa khai thác hết công suất.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng: “Hiện nay, trách nhiệm quản lý thuộc TP Hà Nội vì toàn bộ những công trình này sau khi làm xong đã bàn giao cho Hà Nội. Vì vậy, Hà Nội cần phải có rà soát tổng thể. Sau khi rà soát tổng thể xong thì những công trình hầm đường bộ mà chưa hoàn thiện đề nghị các đơn vị thi công phải hoàn thiện gấp. Đối với những công trình đã hoàn thiện rồi, cần phải có giải pháp kể cả tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý vi phạm để người dân có thói quen đi bộ đúng nơi quy định”
Để các cầu, hầm đường bộ phát huy tối đa hiệu quả sử dụng, góp phần hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông, cải thiện văn hóa giao thông đô thị, TP Hà Nội cần có những biện pháp cụ thể như: Thường xuyên duy tu, duy trì các đường hầm và cầu đi bộ, đảm bảo luôn sạch, đủ ánh sáng, tạo thuận lợi cho người đi lại. Đồng thời, các lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người tham gia giao thông sang đường không đúng quy định; tích cực tuyên truyền, vận động để người tham gia giao thông sử dụng cầu, hầm đi bộ. Có như vậy sẽ phát huy được hiệu quả của hầm đường bộ, tránh lãng phí như hiện nay./.