Bệnh viện Nhi đồng 1 là bệnh viện đầu tiên trong nước thực hiện quy trình cấp cứu Báo động đỏ. Được triển khai thực hiện từ năm 2010, nhưng đến 3 năm sau, quy trình này mới được nhiều người biết đến qua sự kiện hai bệnh nhi 6 tuổi và 2 tuổi được cứu sống sau vụ cuồng sát tại quận 5, TP HCM.

Hai bệnh nhi nhập viện trong tình trạng hôn mê do mất nhiều máu từ hàng chục vết thương bị đâm trên người. Tình trạng của các bệnh nhân khiến nhiều người cảm thấy việc cứu chữa dường như vô vọng bởi các vết thương gây thủng ruột non, thủng đại tràng, rách thận, rách gan. Tuy nhiên, với các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 1, việc cứu sống là hoàn toàn có hy vọng vì họ đã ngay lập tức thực hiện quy trình Báo động đỏ, đó là bỏ qua việc chẩn đoán ban đầu để lập tức thực hiện ca phẫu thuật.

bac-si.jpg
Để cứu sống người bệnh, các thầy thuốc phải chạy đua cùng thời gian (Ảnh: Sức khỏe và Đời sống)

Sau 3 giờ phẫu thuật, ê-kíp đã giành lại mạng sống cho bệnh nhân từ tay tử thần. Và từ khi áp dụng quy trình này đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã cứu sống khoảng 10 trường hợp bệnh Nhi nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 khẳng định: “Quy trình này đã cứu sống rất nhiều cháu, mà điển hình là hai cháu 6 tuổi và 2 tuổi trong năm 2013. Nếu như trước đây, các trường hợp này tử vong vì không thể phản ứng kịp. Một quy trình làm bình thường mà nhanh nhất cũng phải mất 30 phút. Song, quy trình này rút ngắn lại chỉ còn vài phút, tất cả bộ phận vào cuộc và làm khẩn trương. Đây cũng là điểm thành công của ngành Y tế để cứu sống nhiều bệnh nhân”. 

Trong quy trình Báo động đỏ, sự phối hợp của các bộ phận là vô cùng cần thiết. Khi có lệnh Báo động được phát ra, từ đội ngũ y, bác sĩ đến bảo vệ hay nhân viên y tế đều phải dừng tất cả công việc đang làm để tập trung vào ca bệnh. Trong khi bác sĩ phẫu thuật nhanh chóng tập trung ở cửa phòng mổ, thì các bác sĩ chuyên khoa khác như xét nghiệm, ngân hàng máu, hồi sức cũng phải đến để cùng tham gia ca phẫu thuật. Đội ngũ bảo vệ làm công việc dọn đường để có thể di chuyển bệnh nhân trong thời gian nhanh nhất, vì thời gian ở đây được tính bằng phút, bằng giây.

Tất cả việc sơ cấp cứu cũng như di chuyển bệnh nhân vào phòng mổ không được vượt quá 5 phút, thì mới có khả năng cứu sống bệnh nhân. Trong đó, vai trò của bác sĩ cấp cứu được xem là quan trọng hàng đầu trong quy trình Báo động đỏ. Họ vừa đảm nhận việc sơ cấp cứu như chuyên môn của mình, vừa chẩn đoán tình trạng ban đầu của bệnh nhân để ra quyết định: nên hay không phát ra tín hiệu Báo động đỏ. Trong vài phút là phải đánh giá khái quát được tình hình của bệnh Nhi mà không cần phải qua khám, chẩn đoán, siêu âm, X – quang, xét nghiệm…

Bác sĩ Đinh Tấn Phương – Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, có hẳn bảng tiêu chuẩn để dựa vào đó đưa ra lệnh Báo động đỏ:  “Chúng tôi biết những trường hợp nào chắc chắn sẽ mổ, vì có quy trình, tiêu chuẩn như: bệnh nhân sốc mất máu nặng, không thể cầm máu được thì chắc chắn là Báo động đỏ. Chúng tôi phải học ở nước ngoài những quy chuẩn và dựa vào tri giác, dựa vào mạch, huyết áp, mức độ mất máu… để phối hợp quyết định Báo động đỏ”.

Quy trình Báo động đỏ được bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở y tế TP HCM, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 đề xuất nghiên cứu và đưa vào áp dụng sau chuyến đi tham quan học kinh nghiệm tại Melbourne, Australia. Theo bác sĩ Tăng Chí Thượng, thực chất của quy trình này là sự cải tiến của quy trình cấp cứu người bệnh: “Có những tình trạng bệnh nếu chậm sau 15 phút thì không cứu được. Do đó, nếu tập trung nhiều bác sĩ có kinh nghiệm thì có khả năng cấp cứu cao. Đây là kinh nghiệm của các nước đang phát triển. Và ở các nước này đều thành lập đội phản ứng nhanh.  Sắp tới, Sở y tế cũng thành lập các Đội phản ứng nhanh làm nhiệm vụ như quy trình Báo động đỏ”.

Hiệu quả của Quy trình cấp cứu Báo động đỏ đã bước đầu được khẳng định tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM. Ngành Y tế cần tiếp tục nghiên cứu để nhân rộng quy trình này ra nhiều bệnh viện để kịp thời cứu sống bệnh nhân khi có thể./.