Trao đổi với VnExpress sáng 5/4, ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cho biết, đoàn công tác đã ghi được hình ảnh con bò tót đang sinh sống ở tiểu khu 58, vùng đệm Khu Bảo tồn Sao La, huyện Đông Giang.
"Nó là con đực, nặng khoảng 200kg. Chúng tôi đang theo dõi, đặt bẫy ảnh xem có thêm cá thể bò tót nào sinh sống ở khu vực này hay không", ông Tuấn nói. Hiện Chi cục đã cử 5 cán bộ kiểm lâm phối hợp cùng kiểm lâm địa bàn, dân quân tự vệ chia nhau nhiều khu vực, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho con bò tót.Theo ông Tuấn, Chi cục cũng đã gửi văn bản đề xuất Cục Kiểm lâm mời các nhà khoa học về Quảng Nam giám định, có giải pháp hữu hiệu bảo tồn cá thể quý hiếm này.
Chi cục kiểm lâm Quảng Nam dự kiến gửi đoạn phim quay được về con bò tót cho Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật, Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam hoặc Trường Đại học Quốc gia để tiếp tục giám định, nghiên cứu khoa học về cá thể bò tót này.
Bò tót có tên khoa học Bos gaurus, là động vật thuộc bộ guốc chẵn, họ trâu bò, có lông màu sẫm và kích thước lớn, sinh sống chủ yếu ở vùng rừng của Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Tại Việt Nam, bò tót được người dân tộc thiểu số gọi là min (nghĩa là trâu rừng), do chúng có hình dáng tương tự loài trâu. Loài này được các chuyên gia động vật học trên thế giới xác định là loài bò rừng lớn nhất trong tự nhiên.
Một con bò đực trưởng thành cao trung bình gần 2 m, dài khoảng 3 m. Trọng lượng trung bình của bò tót Đông Nam Á 1,5 tấn. Bò tót đực có màu đen bóng, lông ngắn và và gần như trụi hết khi về già. Con đực và cái đều có sừng to, chắc và uốn cong về phía trước. Chiều dài trung bình của sừng thường 80 – 85cm ở bò đực, sừng bò cái ngắn, nhỏ hơn và uốn cong hơn. Trên trán, giữa hai gốc sừng là một chỏm lông, thường có màu vàng.
Hiện Việt Nam chỉ còn khoảng 300 con bò tót, song chúng đang đứng trước hiểm họa diệt chủng cao do rừng bị chặt phá và nạn săn trộm động vật hoang dã quý hiếm./.