Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm cải thiện đời sống nông dân. Trong đó, Quyết định 1956 ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1956) về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” là một trong những chủ trương lớn. Thực hiện đề án này, bên cạnh những thành quả bước đầu, còn không ít khó khăn trong thực tiễn.

Chưa hấp dẫn người học

anh2.Pham-Thi-Thu-Binh111.jpg

Bà Phạm Thị Thu Bình

Bà Phạm Thị Thu Bình, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương, chia sẻ: Đào tạo nghề cho nông dân góp phần tạo việc làm cho họ, đặc biệt là những vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Bởi thực tế, khi chuyển đổi mục đích, nhiều thách thức, khó khăn đặt lên vai nông dân và nó cũng ảnh hưởng đến công tác dạy nghề cho họ. Mặc dù chủ trương theo Đề án 1956 là tốt, nhưng khi triển khai tại cơ sở vướng mắc vì hiện nay người ở lại nông thôn, trực tiếp làm nông nghiệp chủ yếu có tuổi tương đối cao, còn thanh niên thường rời quê đi làm ăn xa. Do đó, đối tượng học nghề khó tiếp thu kiến thức. Nông dân hiện vẫn chủ yếu sản xuất nông nghiệp theo kinh nghiệm, thói quen. Với họ, nếu có thể, chỉ hăng hái tham gia khoá học 1- 2 buổi, còn học 2 – 3 tháng cho từng nghề sẽ rất khó khăn, ít người tham gia.

Chia sẻ của bà Bình cũng là trăn trở chung của nhiều đại biểu tham gia hội thảo “Thực trạng, thách thức và giải pháp trong đào tạo nghề cho nông dân ở Việt Nam” ngày 26-27/9/2011. Đa số các đại biểu cho rằng, lao động ở lại nông thôn hiện nay phần lớn là người già, phụ nữ chưa qua đào tạo nghề. Đây không chỉ là một trở ngại trong đào tạo nghề cho họ, mà chính các đối tượng này còn là những người hàng ngày đang phải chạy ăn cho gia đình (ngoài việc tại ruộng đồng, không ít lao động phải ra thành phố làm thêm đủ loại việc những lúc rỗi vụ). Trong khi đó, mục tiêu đào tạo nghề là hướng đến cho nhu cầu của tương lai. Do đó, dù là chỉ 1 hoặc 2 – 3 năm sau sẽ cho kết quả nhưng cũng khó thu hút nhiều nông dân mặn mà việc học.

Không những thế, những người làm nghề nông thường chưa được đánh giá bình đẳng trong xã hội. Đây là một trong những nguyên nhân về tâm lý nhưng có tác dộng rất lớn đến khả năng lựa chọn nghề của lao động nông thôn. Ông Udo Folgart, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Đức, đơn vị nhiều năm hợp tác giúp Việt Nam phát triển nông nghiệp, đánh giá: “Một trong những nguyên nhân khiến ít thanh niên nông thôn mặn mà với nghề nông, không muốn làm việc trực tiếp trên quê hương mình là vì xã hội còn có cái nhìn, cách đối xử với họ thường thấp hơn những ngành nghề khác”.

Cơ chế, phương pháp còn xa thực tiễn…

Bà Phạm Thị Thu Bình cho rằng: “Về cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, mặc dù đã có rất nhiều cởi mở, nhiều sự hỗ trợ cho nông dân, nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng thực tiễn. Ví dụ, với một hộ gia đình nông dân, họ có thể vừa có ruộng trồng lúa, ruộng trồng hoa màu, ao nuôi cá, thậm chí có cả chuồng để nuôi con. Nhưng quy định một nông dân chỉ được học một nghề, đã học chăn nuôi thì không được học trồng trọt, không học thuỷ sản nữa… Như vậy, cơ chế này chưa đáp ứng được mô hình làm nghề đa dạng ở nông thôn”.

Bên cạnh đó, có những người được tham gia học, nhưng không có khả năng về vốn, đất đai… để “tiêu hoá” kiến thức đã học vào sản xuất, để lâu lại… quên kiến thức. Kế hoạch phát triển kinh tế vật nuôi, cây trồng, nghề phụ… của không ít địa phương còn chủ quan, thiếu chiến lược, không sát thực tiễn. Chúng ta từng có nhiều bài học nhãn tiền về tình trạng nông dân đổ xô nuôi cá tra, basa vì giá bán lúc đó rất cao; Họ không hiểu, nếu cứ làm ồ ạt sẽ xảy ra tình trạng dội chợ, rớt giá;… Tiếp đến là điệp khúc “bỏ lúa, trồng mía” hoặc “bỏ mía, nuôi tôm”, “phá rừng trồng sắn”… khá phổ biến ở nhiều vùng sản xuất. Thế nhưng nhiều nông dân vẫn thấy cây, con gì có giá là đổ xô tìm giống nuôi, trồng.

TS Phạm Thanh Hải

TS Phạm Thanh Hải (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng NN&PTNT Bắc Bộ) chỉ ra nhiều hạn chế trong đào tạo nghề cho nông dân hiện nay. Đó là: Chưa có giải pháp hữu hiệu để thay đổi thói quen, hành vi lạm dụng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu trong sản xuất của nông dana, làm ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm; Thiếu giáo viên dạy nghề nông nghiệp vừa tâm huyết, vừa có phương pháp giảng dạy phù hợp cho nông dân, đặc biệt là người có thể vừa dạy lý thuyết vừa hướng dẫn thực hành; Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ, giáo trình, tài liệu đào tạo nghề còn chậm đầu tư, đổi mới cho kịp thời. Đào tạo nghề chưa có chiến lược theo từng hướng phát triển để tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động nông thôn tương lai.

Ngoài ra, yêu cầu với chương trình dạy nghề là “phải có nội dung về kiến thức kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp để người lao động sau học nghề biết huy động vốn, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hoá” cũng là quá tham vọng và khó khả thi, khi mà hầu hết các khoá đào tạo chỉ là ngắn hạn, chỉ kéo dài khoảng vài ba tháng.

TS Nguyễn Hồng Minh (Vụ trưởng Vụ Đào tạo nghề, Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTB&XH) đánh giá: Dạy nghề ở nước ta vẫn chủ yếu theo hướng cung; mạng lưới dạy nghề tăng nhanh nhưng quy mô nhỏ, phân bố chưa hợp lý; đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là lao động trong các KCN, KCX và các vùng kinh tế trọng điểm, cho xuất khẩu lao động và nhu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

Ông Trần Văn Cứng

Ông Trần Văn Cứng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân An Giang cũng chia sẻ: “Tại An Giang, cơ sở vật chất dạy nghề cho nông dân rất thiếu. Hội chỉ huy động được hơn 30 giáo viên, trong khi mỗi năm bình quân có khoảng 30.000 người bước vào tuổi lao động. Lực lượng này phần lớn là ở nông thôn, nhu cầu học nghề rất lớn nhưng Hội chưa đáp ứng nổi”.

Bất cập nữa là công tác đào tạo nghề chưa song hành với công tác nâng cao kiến thức của ngườiq ản lý trực tiếp tại cơ sở và nông dân về thị trường, tiêu chuẩn sản phẩm. Vì không hiểu thị trường, đầu tư sản xuất sẽ không hiệu quả. Thiếu kiến thức về nghề, công tác quản lý sẽ khó sát thực tiễn.

Ông Udo Folgart, chia sẻ kinh nghiệm tại Đức: “Ở Đức, chủ nông hộ, chủ nhiệm HTX phải có bằng nghề được đào tạo nghiêm túc. Các cấp Hội Nông dân phải tư vấn, cung cấp dịch vụ phong phú cho nông dân. Hội phải chủ động đàm phán giúp bà con mua sản phẩm đầu vào - sản phẩm đầu ra, đặc biệt là mua nguyên liệu sản xuất với giá rẻ nhất có thể”.

Ông Udo Folgart.

Với những trở ngại nêu trên, có thể thấy, nếu không nhấn mạnh đến hiệu quả và chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, Đề án 1956 đưa ra những chỉ tiêu về số lượng cụ thể (phải đào tạo nghề cho 1 triệu nông dân/năm), rất dễ nảy sinh việc đầu tư kiểu phong trào. Bởi lẽ, các địa phương sẽ rất dễ bỏ qua chất lượng và chạy theo số lượng, tìm cách tốt chức lớp học… để “véo” ngân sách (gần 26.000 tỷ đồng) thực hiện Đề án.

Câu chuyện buổi đầu thực hiện đào tạo nghề cho nông dân ở Hải Dương (từ năm 2004) do bà Phạm Thị Thu Bình kể rằng, có lần tỉnh tổ chức đào tạo nghề thuỷ sản, có xã cử toàn cán bộ đi học, trong khi các cán bộ này không có ao nuôi thuỷ sản, thành ra lãng phí khoá học.

Rõ ràng, đào tạo nghề cho nông dân đang trở thành vấn đề cấp thiết và cần được ưu tiên. Nhưng muốn đào tạo nghề nông hiệu quả, cần nắm bắt được đúng nhu cầu của người học, triển khai hợp lý, tránh bệnh phong trào, lãng phí./.