Gia đình anh Trung đã có Tết

Những ngày qua, ngôi nhà nhỏ, đơn sơ của gia đình anh Hoàng Văn Trung (xã Song Lãng, huyện Vũ Thư – Thái Bình) “vui như Tết”. Dẫu liền bờ dậu, cùng thôn, cùng xóm, cũng ít nhiều biết đến tình cảnh của anh Trung nhưng chỉ khi báo chí lên tiếng, bà con làng xóm ai cũng muốn ghé qua chia sẻ niềm vui với anh, người ở xa thì gọi điện chúc mừng. Niềm vui ở đây không chỉ bởi bỗng chốc anh trở thành “người nổi tiếng”, được mọi người biết đến mà hơn cả là nỗi bức xúc và cả những lo lắng trong cuộc sống dường như đã bắt đầu hé lộ những tín hiệu lạc quan. Anh Trung phấn khởi: “Nhiều người đọc báo, nghe đài biết và chúc mừng cho tôi. Đặc biệt là ngay sau đó về phía công ty Isalco đã gửi cho tôi 5 triệu đồng, gọi là hỗ trợ ăn Tết. Với xã hội 5 triệu là nhỏ nhưng với gia đình tôi là rất lớn. Nói thực là cả gia đình như người chết đuối vớ được cọc”.

nam.jpg

Những lao động lam lũ vùng chiêm trũng Hà Nam đang ngóng chờ lương.

Chỉ mấy ngày trước, trong buổi gặp gỡ với chúng tôi, sự lo lắng, hoang mang và cả nỗi tuyệt vọng của anh Trung khó lòng mà đong đếm. Ngồi trong ngôi nhà ấm cúng, đào, quất đã rộn ràng của người quản lý khi còn làm ở Libya khiến anh càng chạnh lòng. Chẳng ước gì cao sang, chỉ mong có chút tiền để vợ con đỡ tủi khi Tết đến xuân về. Giờ thì anh không còn cấn cá với nỗi lo 3 ngày Tết, nhưng điều khiến anh Trung vui - lớn hơn rất nhiều khoản tiền hỗ trợ ấy chính là anh lại có được niềm tin ở cuộc sống.

Doanh nghiệp kêu: Khó

“Tín hiệu tích cực” từ trường hợp của anh Trung cũng là niềm mong chờ của hàng ngàn lao động trở về từ Libya đang bị nợ lương. Họ cũng mong muốn doanh nghiệp có hình thức nào đó để hỗ trợ để anh em góp phần lo Tết cho gia đình. Tuy nhiên, khi mang tâm tư này đến các doanh nghiệp, câu trả lời chung là: Khó.

Công ty cổ phần nhân lực và thương mại Vinaconex Mec có 2.700 lao động đi làm việc ở Libya, trong đó gần 300 lao động đang bị các nhà thầu nợ lương với số tiền trên 400.000 USD. Trao đổi với PV, ông Ngô Xuân Huy- Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nhân lực và thương mại Vinaconex Mec cho biết, thời gian qua công ty đã rất nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để đòi nợ cho người lao động. Tuy nhiên, bản thân nhà thầu Na-lidco (Thổ Nhĩ Kỳ) cũng đang trong tình cảnh vô cùng khốn đốn khi họ đã đầu tư hơn hàng chục triệu USD ở Libya nhưng đến nay nhà xưởng, máy móc, tài sản của họ đã bị phá hủy, chưa thể thu hồi được.

Lãnh đạo công ty Vinaconex Mec đã cam kết bằng văn bản với người lao động sẽ có trách nhiệm đòi lương, hoàn trả cho lao động. Ngoài ra công ty cũng tìm kiếm các đơn hàng, thị trường phù hợp, tạo điều kiện tối đa cho người lao động có nhu cầu được Xuât khẩu lao động. Hiện nay đã có hơn 200 lao động đã đăng ký sang Arabia Saudi làm việc với thu nhập 500-600 USD/tháng. Với những lao động này, ông Huy cho biết, công ty ưu tiên sau 6 tháng lao động có thu nhập mới thu phí dịch vụ.

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu lao động đưa số lượng lớn lao động Việt Nam sang làm việc tại Libya, Công ty cổ phần phát triển quốc tế Việt Thắng (VTC) bị “vố” nặng khi gần 900 lao động đang bị nhà thầu nợ lương, người ít là 15 triệu, người nhiều 30-40 triệu, thậm chí có những lao động mới chân ướt chân ráo sang nước bạn hơn 2 tháng, chưa biết mặt của đồng ngoại tệ đã phải hồi hương vì chiến sự. Theo ông Nguyễn Vạn Xuân- Chủ tịch HĐQT VTC, trong chuyến đi “đòi nợ” nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ mới đây cũng đã có những tín hiệu khả quan. “Thông lệ quốc tế, với những rủi ro khác có thể doanh nghiệp không thanh toán, nhưng với lương lao động thì doanh nghiệp phải trả, dù bất kể lý do gì. Nhà thầu Na-lidco (Thổ Nhĩ Kỳ) họ rất thiện chí, hứa sẽ trả lại 100% lương cho công nhân nhưng thời gian thì cũng chưa biết cụ thể”- ông Xuân cho biết.

Hiểu được những khó khăn nhiều gia đình lao động đang phải đối mặt, nhất là khi cái Tết đang đến gần, VTC cũng đã tính đến giải pháp ứng trước cho lao động 3-5 triệu/ người để họ lo Tết, sau khi được nhà thầu trả tiền sẽ hoàn lại cho công ty. Tuy nhiên, với số lượng gần 1.000 lao động bị nợ lương, số tiền ấy là quá sức đối với doanh nghiệp. Ông Nguyễn Vạn Xuân đề xuất: “Đây cũng là nguyện vọng chính đáng của lao động Việt Nam vì năm hết Tết đến, ngoài doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã đưa đi làm việc, họ chả biết bấu víu vào đâu được nữa, nhưng hiện công ty chúng tôi cũng đang hết sức khó khăn. Vì vậy, để giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp, chúng tôi mong được Cục Quản lý lao động ngoài nước và lãnh đạo Bộ tạo điều kiện, đứng ra đảm bảo giúp doanh nghiệp được vay một khoản tiền đủ để ứng cho lao động 1 tháng lương cơ bản hoặc mỗi lao động khoảng 3-5 triệu đồng để họ lo chi tiêu trong dịp Tết- thì sẽ giảm bớt rất nhiều áp lực cho doanh nghiệp.

Đến thời điểm này, tình hình chính trị tại Libya đang dần ổn định và bắt đầu giai đoạn tái thiết đất nước. Các nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nghiên cứu chuẩn bị kế hoạch cho việc quay trở lại với các công trình xây dựng tái thiết của Libya. Việc trả nợ cũng như tiếp nhận lao động trở lại rất khả quan. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, giải pháp quan trọng để có thể đẩy nhanh tiến độ, không gì khác là bằng con đường ngoại giao.

Ông Ngô Xuân Huy- Phó TGĐ Công ty Vinaconex mec cho rằng “Bộ LĐTB&XH và Bộ Ngoại giao Việt Nam cần tăng cường mạnh hơn các biện pháp qua con đường ngoại giao với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ để can thiệp đòi lương cho lao động, nếu không được lương ngoài giờ thì ít nhất đủ lương cơ bản của lao động.

Ông Nguyễn Công Đoan - Giám đốc Công ty XKLĐ Hanoi Isalco, doanh nghiệp cũng có trên 90 lao động bị nợ 4 tháng lương cũng kiến nghị “Tôi được biết lao động người Thái Lan và Libya cũng bị nợ lương nhưng đã được các nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ hoàn trả. Vì vậy, qua con đường ngoại giao, chúng tôi mong Bộ Ngoại giao Việt Nam can thiệp với Chính phủ Libya và Thổ Nhĩ Kỳ sớm xem xét, nếu chưa giải quyết được toàn bộ lương cũng có thể ứng trước cho Lao động Việt Nam một phần lương để họ giảm bớt khó khăn ”.

Trao đổi với PV, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Lê Văn Thanh cho biết: trung tuần tháng 12/2011, đoàn công tác của Bộ LĐTB&XH đã sang làm việc với Bộ Lao động và An sinh xã hội của Thổ Nhĩ Kỳ (Thổ Nhĩ Kỳ có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư sang Lybia và sử dụng nhiều lao động Việt Nam). Các nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ rất có thiện chí giải quyết nợ lương cho lao động Việt Nam và cam kết sẽ trả hết số tiền còn nợ lao động Việt Nam, tuy nhiên thời điểm như thế nào còn phụ thuộc vào... tình hình chính trị ở Libya. Bộ LĐTB&XH cũng đã gửi công hàm tới Bộ Lao động và An sinh Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị phối hợp cùng các cơ quan chức năng của Thổ Nhĩ Kỳ đôn đốc các nhà thầu sớm trả lương cho lao động Việt Nam. Về tình cảnh khốn khó của LĐVN trở về từ Libya, ông Thanh cho biết, Cục sẽ chỉ đạo các DN XKLĐ tiếp tục rà soát, xem xét lại - tuỳ vào hoàn cảnh cụ thể, nếu những LĐ nào thực sự khó khăn sẽ đề nghị Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước hỗ trợ kịp thời.

Trả lời PV của VOV ngày 11/1, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định “Khi đất nước Libya ổn định chúng tôi dứt khoát tham mưu với Chính phủ, làm việc trực tiếp với Chính phủ Libya, cùng các tổ chức, DN liên quan xem xét giải quyết chế độ, hoàn trả lương cho anh em. Đồng thời sẽ có chính sách để anh em có nhu cầu sẽ được quay trở lại Libya làm việc. Chúng tôi hy vọng lao động Việt Nam có cơ hội quay lại Lybia làm việc trong thời gian sớm nhất”.

Tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề nợ lương của người lao động cũng như có hướng tháo gỡ những khó khăn trước mắt đang cần lắm sự chung tay của DN cũng như cơ quan chức năng để người lao động có nơi bấu víu./.