Sở Khoa học Công nghệ Vĩnh Phúc cho biết, sản phẩm lò đốt rác công nghệ Nhật Bản, sản xuất tại Thái Lan – Sankyo NFI-05 đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của các cơ chức năng đưa ra. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Bắc Giang lại có đánh giá khẳng định điều ngược lại…

Như đã phản ánh về thực trạng tại nhiều địa phương như Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc đầu tư nhiều tỉ đồng để trang bị lò đốt rác thải để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt. Những lò đốt rác thải này chủ yếu được các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu từ hãng Sankyo của Thái Lan với giá bán từ vài trăm triệu đến nhiều tỉ đồng. Các lò đốt rác này được các đơn vị nhập khẩu giới thiệu: Dùng khí tự nhiên để đốt cháy rác và không cần phải sử dụng nhiên liệu để đốt. Giá mỗi lò đốt rác thải này lên tới hàng tỉ đồng. Tuy nhiên, theo điều tra thực tế của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, tại nhiều địa phương được đầu tư lò đốt rác thải này, tình trạng ô nhiễm vẫn hết sức nghiêm trọng.  

Bãi rác thải ngập ngụa tại Vĩnh Tường mặc dù đã được đầu tư lò đốt rác thải
Mới đây, phóng viên báo TTTĐ đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ các địa phương. Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Khánh Lân, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Vĩnh Phúc, cho biết: "Trước tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt không được xử lý do rác thải sinh hoạt gây ra, Sở Khoa học Công nghệ Vĩnh Phúc đã lên thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang để tìm hiểu về lò đốt rác để xử lý rác thải ở nơi này (lò đốt rác NFI-05 công nghệ Nhật Bản, sản xuất tại Thái Lan do Công ty Cổ phần và phát triển đầu tư Đồng Xanh cung cấp).
Sau khi tìm hiểu, xem xét và nghiên cứu thấy phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương nên đã đề xuất mua về trang bị tại xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi lắp đặt xong, các cơ quan chức năng đã tiến hành đo các chỉ số của lò đốt rác NFI-05. Kết quả, lò đốt rác thải này đạt tiêu chuẩn cho phép. Sau khi lắp đặt xong, lò đốt rác này được bàn giao cho xã vận hành, quản lý. Sau đó, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai thêm một số lò đốt rác sản xuất tại Thái Lan cho một số địa phương trên địa bàn tỉnh". 

 

Báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bắc Giang khẳng định các lò đốt rác còn nhiều tồn tại chưa được xử lý 
Ông Lân cũng cho biết thêm, nếu không có các lò đốt rác này tình trạng ô nhiễm tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ trở nên trầm trọng. Tuy nhiên, ông Lân cũng thừa nhận thực tế, việc trang bị các lò đốt rác này chưa xử lý được triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại các nơi được lắp đặt. Sau khi được lắp đặt, Sở Khoa học Công nghệ giao lại cho các xã quản lý và vận hành. Tuy nhiên, việc quản lý, vận hành tại các địa phương có vấn đề nên dẫn đến tình trạng ô nhiễm chưa xử lý được triệt để.  
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Xuất, Phó Giám đốc sở Khoa học Công nghệ Bắc Giang lại chia sẻ, tỉnh đã có đoàn kiểm tra các lò đốt rác được lắp đặt trên địa bàn, gồm đại diện các Sở: Khoa học Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên - Môi trường, Công thương. Sau khi kiểm tra, đánh giá đoàn kiểm tra đã có báo cáo số 74/BC-KHCN ngày 12/5/2015 gửi UBND tỉnh Bắc Giang.
Theo đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 24 lò đốt được trang bị. Trong đó, lò đốt theo công nghệ Nhật Bản, sản xuất tại Thái Lan là 9 chiếc (NFI-05 là 3 chiếc, NFI-120 là 6 chiếc) do Công ty Cổ phần và phát triển đầu tư Đồng Xanh cung cấp. Một chiếc ký hiệu ATV 150 công nghệ Nhật Bản do Công ty Thiên Phúc ICT cung cấp. 15 lò còn lại do các đơn vị trong nước sản xuất.

Nhiều chất độc hại chưa được lò đốt rác xử lý triệt để theo kết quả quan trắc của các cơ quan chức năng 
Đánh giá về hệ thống xử lý khói, bụi của các loại lò đốt này, báo cáo cho biết, hầu hết các công nghệ không có hệ thống xử lý khói, bụi riêng. Các loại lò nhập khẩu (NFI-05, NFI-120, ATV 150) được xử lý khói, bụi khô theo kiểu tạo xoáy để dẫn khói bụi ra ngoài… “Về khí thải ống khói so sánh với Quy chuẩn Việt Nam 30:2012/BTNMT cho thấy, hầu hết các lò có chỉ tiêu SO2 và nhiệt độ khí thải đề vượt tiêu chuẩn cho phép. SO2 cao hơn 2,5 đến 6 lần. Nhiệt độ khí thải ra môi trường cao hơn 1,13 đến 2,7 lần (trừ lò của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Bắc Giang). Về tro xỉ cho thấy, hầu hết các chỉ tiêu kim loại nặng đề vượt tiêu chuẩn cho phép (Asen từ  2,58 đến 3,53 lần; Cadmium từ 2,78 đến 4,38 lần; Thủy ngân từ 4,35 đến 5,75 lần).
Báo cáo của đoàn kiểm tra cũng khuyến nghị không nên sử dụng một số loại lò đốt rác không đáp ứng được Quy chuẩn Việt Nam 30/2012/BTMNT như LOSHIHO của Công ty TNHH Thiên Phú (vì công suất quá nhỏ), lò ATV 150 (không xử lý được khói, bụi), lò NFI-05 có nhiều nhược điểm hơn lò NFI -120.
Trao đổi thêm với phóng viên, ông Nguyễn Văn Xuất cho biết, hiện nay các địa phương trang bị lò đốt rác không xin ý kiến của Sở Khoa học Công nghệ dẫn đến tình trạng trang bị lò đốt còn nhiều bất cập. “Hầu hết các lò đốt rác được trang bị trên địa bàn chưa đạt yêu cầu. Nếu nói chỉ đốt rác thì đạt yêu cầu còn nói để xử lý rác thải là chưa được”.
Đề nghị các địa phương xem xét, đánh giá lại việc mua sắp các lò đốt một cách hiệu quả, tránh gây ô nhiễm môi trường gây bức xúc cho người dân xung quanh./.