Chiều nay (25/8), tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp bà Rachel Kyte, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) đang có mặt tại Việt Nam nhằm tìm hiểu và hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long. 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao chuyến thăm của bà Rachel Kyte đến Việt Nam, hoan nghênh bà đã đi khảo sát và trực tiếp nắm tình hình về những tác động của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng Sông Cửu Long; cảm ơn WB đã hỗ trợ Việt Nam trong việc giảm nhẹ và thích ứng với các thiệt hại do biến đổi khí hậu, cũng như đã hỗ trợ Việt Nam hoàn thành nhiều mục tiêu Thiên niên kỷ.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đang tác động nhanh và ngày một mạnh mẽ hơn đến không gian sinh tồn của người dân tại Đồng bằng Sông Cửu Long; Chủ tịch đồng ý với bà Rachel Kyte về việc phải có một cơ quan liên ngành, đủ thẩm quyền để chỉ đạo các hành động, và cho biết, hiện nay Việt Nam đang nỗ lực nghiên cứu các giải pháp trồng rừng ngập mặn quy mô lớn, củng cố và xây dựng hệ thống đê, cống bảo vệ đất liền, tăng cường năng lực cho quan trắc và dự báo và tăng cường nhận thức cho người dân. Để thực hiện những công việc quan trọng này, sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới là hết sức cần thiết.

Nhất trí với những đề nghị của Chủ tịch nước, bà Rachel Kyte khẳng định, Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục ưu tiên Việt Nam trước mắt cũng như trong dài hạn.

Bà Rachel cho biết đã có một chuyến khảo sát rất có kết quả và được tận mắt chứng kiến cuộc sống người dân dưới tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời khẳng định WB sẽ hành động mạnh mẽ để giúp đỡ Việt Nam đối phó hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu.

Bà Phó Chủ tịch cũng thông báo với Chủ tịch nước về kết quả thảo luận với các Bộ, ngành về sự cần thiết phải có quyết tâm ở cấp cao nhằm đảm bảo cho việc hình thành các chính sách một cách đúng đắn, hài hòa; đánh giá cao những cam kết của Việt Nam đối với tăng trưởng xanh cũng như sự quan tâm của Chủ tịch nước đối với vấn đề này, bà Phó Chủ tịch WB khuyến nghị, từ cam kết đến hành động cụ thể cần có các kế hoạch và cơ chế điều phối hiệu quả, kịp thời, bên cạnh đó cũng cần phải có sự hợp tác ở toàn khu vực tiểu vùng sông Mekong./.