Trong các bản tin thời sự những ngày vừa qua, Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) phản ánh vụ việc cháu Nguyễn Nhật Nam, 2 tuổi (Ở phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội) bị tử vong tại Bệnh viện Nhi Trung ương sau khi tiêm. Sau khi phát sóng, thính giả nhiều nơi trong cả nước đã gửi thư và điện thoại trực tiếp đến Đài TNVN bày tỏ sự bức xúc về vụ việc này; đồng thời đề nghị ngành Y tế kiểm tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu Nguyễn Nhật Nam. Để khán thính giả tìm hiểu rõ nguyên nhân cái chết của cháu Nguyễn Nhật Nam, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN Lê Đình Đạo cũng đã ký công văn gửi Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị kiểm tra vụ việc và có ý kiến trả lời công luận.
Xung quanh vụ việc này, Hội đồng y khoa của Bệnh viện Nhi Trung ương đã đưa ra kết luận: Cháu Nguyễn Nhật Nam tử vong sau tiêm là do cháu đang ở tình trạng viêm màng phổi nặng cộng với cơ địa yếu nên đã bị sốc phản vệ và dẫn đến tử vong.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Sau gần 1 tuần nghiên cứu, xem xét lại hồ sơ bệnh án của cháu Nam, Bệnh viện đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân cái chết của cháu là: “Cháu Nam bị viêm màng phổi nặng, có khả năng suy giảm miễn dịch, suy hô hấp cộng với cơ địa yếu nên làm cho bệnh càng diễn biến nhanh, nặng. Vì thế, khi cháu bị sốc phản vệ đã tử vong dù được cấp cứu ngay sau đó”.
Bác sĩ Lê Thanh Hải cho biết thêm, trước khi nhập viện một ngày (ngày 17/10), cháu Nam đã được tiêm một mũi kháng sinh cùng loại với mũi tiêm ngày hôm sau nhưng không có phản ứng gì. Đây là loại kháng sinh thông thường, rất hay được sử dụng và không có yêu cầu phải thử trước. Còn y tá tiêm thực hiện đúng thao tác kỹ thuật.
Tuy nhiên, ông Hải cũng khẳng định, phía bệnh viện cũng có lỗi một phần dù lỗi đó không trực tiếp gây ra tử vong. Đó là việc chưa tiên lượng chính xác mức độ nghiêm trọng bệnh của cháu Nam khiến việc điều trị cho cháu chưa kịp thời và tích cực. Hay việc y tá không trả lời câu hỏi của người nhà bệnh nhân về loại thuốc tiêm cho bé…
Được biết, một năm trước, cháu Nam cũng đã nhập viện vì bệnh viêm phổi và phải điều trị hơn 20 ngày, sau đó cháu còn bị xuất huyết, giảm tiểu cầu./.