Nỗi ám ảnh thiếu máu

Ghé thăm Viện Huyết học Truyền máu TW vào những ngày đầu năm mới thế nhưng một không khí ảm đạm vẫn bao trùm nơi đây. Mỗi người mỗi gia cảnh khác nhau, trong những câu chuyện của các bệnh nhân đang nằm điều trị tại đây đều gắn với những căn bệnh về máu và nỗi ám ảnh thiếu máu.

Nằm viện từ tháng 10/2010, tính đến nay đã được hơn 2 năm, anh Ma Phúc Huy (38 tuổi, Định Hóa, Thái Nguyên) hầu như ngày nào cũng phải truyền máu. Căn bệnh hiểm nghèo ung thư máu đã khiến làn da anh trở nên xanh xao, cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi. Anh không nhớ nổi từ ngày bị bệnh, anh đã phải truyền bao nhiêu đơn vị máu, chỉ biết rằng nếu không có đủ máu để truyền, anh khó lòng có thể sinh hoạt bình thường được mà phải nằm một chỗ chờ tới đợt truyền máu tiếp theo.

Giáp Tết Quý Tỵ là thời điểm ngân hàng máu của Viện huyết học rơi vào tình trạng khan hiếm trầm trọng, bệnh viện phải vận động người thân của bệnh nhân hiến máu. Ba người anh em trai trong gia đình anh khăn gói xuống Hà Nội làm các xét nghiệm, mong có thể giúp đỡ anh trong giai đoạn khó khăn này, nhưng tiếc là chỉ một cậu em trai có đủ điều kiện truyền máu cho anh. Thương anh trai, hiến máu được 5 ngày, cậu em một mực muốn lấy máu thêm lần nữa, nhưng bệnh viện không cho phép vì 2 lần hiến máu phải cách nhau 2,5 tháng, nên đành bất lực nhìn anh trai rơi vào tình trạng mệt mỏi vì thiếu máu.

Nỗi ám ảnh về tình trạng thiếu máu lúc nào cũng thường trực trong tâm trí anh Huy. Anh không thể nào quên được cái cảm giác toàn thân mệt mỏi, lạnh toát, chân run rẩy mỗi khi đặt bước khỏi giường.

 img_0420%20copy.jpg

Chị Nguyễn Thị Lan Phương (28 tuổi) bên giường bệnh của đứa con gái chưa tròn 1 tuổi

Gặp người mẹ trẻ Nguyễn Thị Lan Phương (28 tuổi) bên giường bệnh của cháu bé Cao Ngọc Phương Anh, chị không khỏi ngậm ngùi: “Cháu mới được gần 1 tuổi nhưng bị ung thư máu bẩm sinh. Suốt 3 tháng nay đều đặn 1 tuần/ lần chị phải đưa cháu vào viện để truyền máu”. Căn bệnh quái ác mà con gái chị mắc phải không thể nói trước, chị không biết đến khi nào cháu mới có thể bình phục hoàn toàn, không biết đến khi nào con chị không còn phải truyền máu nữa. Chị Phương kể, nhiều lần đi truyền nhưng Viện không đủ máu dự trữ, nhìn con phải nằm chờ, chị lo sợ lắm, bởi nếu không truyền kịp thời sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.Cháu Hoàng Anh Tuấn (5 tuổi) bị bệnh thiếu máu bẩm sinh, từ khi mới 10 tháng tuổi cháu đã bắt đầu phải truyền máu mỗi tháng 1 lần. Đến giờ, mẹ cháu, chị Phạm Thị Thơm cũng không nhớ nổi đã bao nhiêu lần phải đưa con đi viện truyền. Nhà chị ở Tuyên Quang, cách xa Viện hàng trăm cây số, mỗi lần đưa con đi vất vả vô cùng. Bình thường thì chỉ phải ở Viện từ 7-10 ngày nhưng có đợt, do thiếu máu để truyền, chị và con phải ở lại đến 20 ngày. Vất vả trong chuyện đi lại, chăm sóc con đã đành, nhưng điều khiến chị lo sợ nhất là tính mạng của con chị bị đe dọa mỗi lần phải đợi máu. Chị kể, nhiều lần, chị phải vận động cả gia đình, họ hàng để lấy máu truyền cho con.

 
 Cháu Hoàng Anh Tuấn (5 tuổi) từ khi mới 10 tháng tuổi cháu đã bắt đầu phải truyền máu mỗi tháng 1 lần. 

Vừa được truyền xong một bịch máu, ông Nguyễn Đăng Sơn (60 tuổi, Đông Sơn, Thanh Hóa) dần hồi phục sau cả ngày mệt mỏi. Căn bệnh Lơ-xê-mi bạch cầu kinh dòng tủy (hay còn gọi là máu trắng) đã đeo đuổi bác từ cuối tháng 1/2011. Ban đầu, biểu hiện bệnh của ông như những người bị cúm bình thường khác: sốt, ho, chảy nước mắt, nước mũi và lên một khối u bằng đầu ngón tay ở mắt. Đi khám thì bệnh viện tỉnh kết luận rằng ông bị bệnh dễ đông máu, thiếu máu lên não nên hay bị đột quỵ rồi cho thuốc. Song bệnh tình của ông ngày một diễn biến phức tạp. Sau khi chuyển xuống viện Huyết học truyền máu trung ương, cầm trên tay kết quả bị bệnh máu trắng, ông không khỏi chạnh lòng.

 
 Bác Sơn lo lắng khi mỗi lần thiếu máu để truyền

Hơn 2 năm đi đi về về từ quê ra viện để truyền và gạn lọc máu, đây là lần đầu tiên ông Sơn không thể đi một mình vì quá mệt mỏi. Cũng như những bệnh nhân khác, ông biết rằng vào đến đây là luôn phải chuẩn bị tâm lý đối mặt với tử thần mỗi lần thiếu máu để truyền.

Trông chờ vào những giọt máu được hiến tặng

Vất vả và nhiều âu lo, nhưng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ở đây đều vẫn nuôi hy vọng. Hơn ai hết, họ hiểu được ý nghĩa của mỗi giọt máu được hiến tặng và niềm khát khao sống được họ gửi gắm vào những đợt bệnh viện vận động hiến máu.

Ông Nguyễn Đăng Sơn tâm sự: “Chỉ ở vào hoàn cảnh này mới thấu hiểu được mỗi giọt máu quan trọng như thế nào đối với sự sống của những người như bác. Vài trăm ml máu với người bình thường sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng với tôi đó là cả cuộc sống”.

Mẹ cháu Hoàng Anh Tuấn chia sẻ, chị hiểu được tính mạng của con trai chị cũng như nhiều bệnh nhân nơi đây đều trông chờ vào số phận và những giọt máu được cộng đồng hiến tặng. Chị cũng như anh Huy, bác Sơn và rất nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân khác đều chung niềm hi vọng mỗi ngày sẽ có thêm nhiều tấm lòng nhân ái, sẻ chia giọt máu của mình hơn, để bệnh nhân cần máu sẽ có thêm những cơ hội được sống.

 
 Ông Phạm Tuấn Dương - Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TW

 Ông Phạm Tuấn Dương - Phó viện trưởng Viện huyết học - Truyền máu TW cho biết: “Hiện nay lượng máu tiếp nhận được mới chỉ đáp ứng được khoảng trên 50% nhu cầu điều trị. Trong năm những thời điểm rất khan hiếm máu như dịp Tết nguyên đán và dịp hè thì các bệnh viện vẫn vận động và khuyến khích người nhà bệnh nhân hiến máu tình nguyện và việc chờ máu trong những thời điểm này là không thể tránh khỏi”.

Ông Dương cho biết, máu và các chế phẩm máu cần cho cấp cứu và điều trị các bệnh như: các ca ghép tạng, ghép tế bào gốc, cho các bệnh nhân ung thư, cho tai biến sản khoa, tai nạn giao thông, chấn thương cần truyền máu, cho các bệnh nhân sốt xuất huyết… Việc thiếu máu để truyền sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người bệnh và có thể dẫn tới một số hậu quả như phải trì hoãn mổ, trì hoãn dùng hóa chất cho bệnh nhân ung thư, kéo dài thời gian nằm viện…

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu máu của mỗi quốc gia, số đơn vị máu cần cho điều trị tối thiểu phải bằng 2% dân số, như vậy, mỗi năm nước ta cần khoảng 1,7 triệu đơn vị máu. Hiện tại, lượng máu duy trì tại Viện Huyết học – Truyền máu TW dao động từ 2000-3000 đơn vị máu. Lượng máu này mới đủ đáp ứng cho nhu cầu tối thiểu của các bệnh viện, đặc biệt nhóm máu O và nhóm A thì rất thiếu. 

Trước thềm Lễ hội Xuân hồng 2013, ông Dương cho biết: “Đây là lễ hội lành mạnh, giàu tính nhân văn, lễ hội của lòng nhân ái. Năm nay, lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, hứa hẹn sẽ tiếp tục là điểm đến của hàng ngàn người với ước nguyện “Sẻ giọt máu đào – Trao niềm hy vọng”. Lễ hội sẽ đem đến nguồn máu và các sản phẩm máu tươi phục vụ cho người bệnh,đặc biệt lễ hội có ý nghĩa to lớn trong việc góp phần nâng cao nhận thức của người dân về hoạt động hiến máu tình nguyện./.

 
 Năm 2012, theo báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, hiện nay nước ta mới chỉ đạt trên 1% tỷ lệ dân số hiến máu. Còn rất nhiều người dân chưa hiểu hết về hiến máu và chưa tham gia hiến máu. 

Lễ hội Xuân hồng là ngày hội hiến máu lớn nhất của nước ta trong năm với hoạt động trọng tâm và ý nghĩa nhất là hiến máu cứu người, góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn máu phục vụ cho điều trị tại hơn 120 bệnh viện khu vực phía Bắc.

Tính đến nay, Lễ hội Xuân hồng đã diễn ra 5 lần, mỗi lần tổ chức, Lễ hội lại xác lập những kỉ lục mới về số lượng người tham dự cũng như số lượng đơn vị máu thu được trong một ngày tại một địa điểm. Năm 2012, 7.684 đơn vị máu được tiếp nhận đã vượt xa con số 5.653 đơn vị của năm 2011, và nhận chứng nhận kỷ lục từ Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam ngay trong lễ bế mạc.  

Ngày 3/3/2013, lễ hội Xuân hồng lần 6 sẽ được tổ chức tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nộ, dự kiến thu hút khoảng 30.000 người tham gia và tiếp nhận 8.000 đơn vị máu./.