Chiều nay (10/6), Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương-Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn gửi công điện tới Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi phía Bắc; Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Công thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nội dung công điện nêu rõ: Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, đêm 10/6 ở Bắc Bộ sẽ có mưa vừa, có nơi mưa to, từ ngày 11 đến ngày 13/6, trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình có khả năng sẽ xuất hiện một đợt lũ vừa, với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3-5m, ở hạ lưu từ 1-2m. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất có thể xảy ra ở các tỉnh vùng núi và đề phòng ngập úng ở vùng trũng, ngập lụt ở đô thị tại các tỉnh đồng bằng.

sat-lo-1_olcj.jpg 

 Do mưa lớn, nhiều tuyến quốc lộ các tỉnh miền núi phía Bắc có nguy cơ sạt trượt, sụt lún (Ảnh minh họa)

Để chủ động ứng phó, xử lý kịp thời những tình huống trên, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương-Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, các Bộ, ngành:

1. Thông báo, kiểm tra, rà soát và chủ động tổ chức sơ tán dân, đảm bảo an toàn cho người và tài sản đối với các khu vực dân cư đang sống ở các vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt đối với các huyện: thành phố Điện Biên, huyện Tủa Chùa (tỉnh Ðiện Biên); huyện Mường Lay, Muờng Tè, Phong Thố, Than Uyên (tỉnh Lai Châu); huyện Mù Căng Chải (tỉnh Yên Bái); huyện Bát Xát, Sa Pa, Mường Khương, Bảo Yên (tỉnh Lào Cai); huyện Lục Yên (tỉnh Bắc Giang); huyện Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ); huyện Yên Minh (tỉnh Hà Giang), huyện Bảo Lạc(Cao Bằng), thành phố Bắc Cạn, Na Rì(Bắc Cạn), huyện Hữu Lũng, Bình Gia, Gia Lộc, Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn), huyện Đại Từ (Thái Nguyên).

2. Đối với các tỉnh đồng bằng gồm Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Ðịnh, Hà Nam kiểm tra các phương án đề phòng ngập úng ở các vùng trũng, ngập lụt ở các đô thị.

3. Tổ chức kiểm tra hồ, đập, đê điều trên địa bàn, bố trí lực lượng thường trực tại các công trình sung yếu, phát hiện và xử lý ngay các sự cố; sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn hạ du trong mọi tình huống; 
4. Thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng trên sông, ven sông thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.

5. Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng, chống lũ; nắm vững thông tin và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn./.