Bắt đầu từ ngày mai (10/8), tại các cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước thuộc thành phố Hà Nội, chính thức áp dụng giá viện phí mới, với mức tăng giá gần 20% đối với gần 1.400 dịch vụ y tế và 135 dịch vụ kỹ thuật y tế. Đồng tình với việc tăng giá viện phí, nhưng nhiều người dân vẫn còn băn khoăn: liệu tăng giá viện phí lần này có gắn với việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh hay không?

Theo tinh thần Nghị quyết 13 HĐND thành phố Hà Nội, việc điều chỉnh giá viện phí lần này là nhằm giúp các bệnh viện tăng nguồn kinh phí và đảm bảo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Ý kiến của đa số người dân đồng tình với chủ trương này và cho rằng, trong sự phát triển kinh tế với nhiều biến động như hiện nay, không tăng viện phí thì bệnh viện không có tiền để trả các loại chi phí ngày càng tăng cao.

vien_phi_ghxe_vvhx.jpgViệc điều chỉnh giá viện phí lần này là nhằm giúp các bệnh viện tăng nguồn kinh phí và đảm bảo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.  - Ảnh: Minh minh/Vnexpress
Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn băn khoăn, liệu viện phí tăng có đồng nghĩa với chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên hay không. Chị Vũ Thị Thu Hương, ở phố Lạc Trung, Quận Hai Bà Trưng và Anh Nguyễn Văn Nam ở Phố Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm Hà Nội cho biết: "Tôi nghĩ việc tăng viện phí nếu phù hợp với chất lượng dịch vụ và chất lượng khám chữa bệnh thì cũng được. Thế nhưng vấn đề là nếu tăng xong mà chất lượng không được cải thiện và bệnh nhân vào vẫn cứ bị coi thường, phải chờ đợi, vẫn cứ phải thế này thế kia thì tôi nghĩ là không ổn. Cái gì cũng vậy, đắt thì phải được chất lượng phục vụ tốt hơn, còn đắt lên mà chất lượng không cải thiện tôi nghĩ là không ổn".

Những lo lắng, băn khoăn của người dân không phải là không có cơ sở, vì hiện nay tại rất nhiều bệnh viện, thủ tục hành chính vẫn còn phiền hà, một số bệnh viện quá tải thường xuyên phải nằm ghép 2, 3 người một giường...

Anh Hoàng Hải, phường Cống Vị, quận Ba Đình Hà Nội chia sẻ: "Việc tăng chi phí lên thì dịch vụ phải đi kèm. Hiện tại tôi không thấy rằng số bệnh viện được xây lên, số giường được tăng lên mà vấn đề là vẫn có nhiều người phải nằm chung một gường. Bệnh viện quá tải như vậy thì đấy là điều mà mình thu trước và chất lượng đi sau. Điều này đi ngược với vấn đề kinh tế học dịch vụ y tế. Phải làm cho dân rõ, dân hiểu rằng tăng vì lý do gì, hai nữa là phân tuyến cho hợp lý để người dân mọi nơi, mọi vùng đều có thể tiếp cận được với dịch vụ y tế.

Đây cũng là mong muốn của người bệnh khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở dịch vụ y tế công./.