Năm mới Quý Tỵ 2013 này là lần thứ 3 liên tiếp, ca sỹ Lệ Hằng có dịp cùng với đoàn Kiều bào trở về quê hương đón Tết. Được cất tiếng hát khi đứng trên mảnh đất quê hương là niềm hạnh phúc vô bờ đối với một người con xa xứ đã 32 năm như Lệ Hằng.

le-hang-2.jpg
Ca sỹ Lệ Hằng

Sau 32 sinh sống ở nước ngoài, ca sỹ Lệ Hằng cảm thấy như mình “có lỗi” khi trở về quê hương quá trễ và ngậm ngùi tiếc nuối, cần gì phải “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”.

Trải nghiệm suốt một chặng đường dài ở nơi đất khách quê người, Lệ Hằng đã chợt nhận ra rằng, trở về với nơi “chôn nhau cắt rốn” là một sự tự do, niềm hạnh phúc không gì bằng.

Sinh năm 1952, quê gốc ở Thái Bình, ca sỹ Lệ Hằng định cư tại Mỹ từ năm 1980. Trong cuộc đời ca hát, từng biểu diễn trên nhiều sân khấu lớn, nhỏ khác nhau ở hải ngoại nhưng mỗi lần trở về Việt Nam, Lệ Hằng vẫn cảm thấy trình diễn trên sân khẩu quê nhà là gần gũi và thân thiết hơn cả. Nặng lòng với mảnh đất đã sinh ra mình, dường như mỗi lời ca, tiếng hát của Lệ Hằng cất lên đều lẫn trong nước mắt.

Kỷ niệm in dấu ấn nhất đối với ca sỹ Lệ Hằng là chuyến đi thăm quần đảo Trường Sa cùng đoàn Kiều bào vào mùa hè năm 2012 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức. Đây cũng lần đầu tiên Lệ Hằng được mang tiếng hát phục vụ các chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa. Chị rất xúc động được các chiến sĩ đón tiếp nồng nhiệt và đề nghị hát ca khúc: “Về đây nghe em” của Nhạc sĩ Trần Quang Lộc.

“Về đây nghe em, về đây nghe em

Về đây mặc áo the, đi guốc mộc

Kể chuyện tình bằng lời ca dao

Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai

Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới

Và về đây nghe lại tiếng nói thơ ấu khúc hát ban đầu…

Về đây nghe em, về đây nghe em

Về đây thả ước mơ đi hát dạo

Về đây nghe em, về đây nghe em

Về đây cùng hát trên sông nước này

Chở lòng người trở về quê hương

Chở lòng mình vào dòng suối mát…”

Khi biểu diễn ở sân khấu hải ngoại biểu diễn, chị chỉ cảm nhận “Về đây nghe em” là nhạc phẩm hay. Nhưng khi đứng trên mảnh đất quê hương hát với một cảm xúc dạt dào, sâu lắng, chị xúc động thấy bài hát này tràn ngập ý nghĩa đối với một người con xa quê đã lâu như chị.

Suốt 10 ngày lênh đênh trên tàu và trên đảo, đi đến đâu chị cũng được các chiến sĩ ưu ái và mời hát. Ngay cả khi chị đi xuống nhà bếp, các anh chiến sĩ bảo thích một bài hát nào đó, không ngần ngại, chị hát luôn tặng các anh.

Có những hôm giao lưu ca nhạc, chị hát ba bài liền, các anh vẫn còn yêu cầu hát tiếp. Chiến sĩ hải quân rất thích đến phòng của Lệ Hằng nghe hát. Chính vì thế, phòng của chị trên tàu luôn ngập tràn tiếng hát và những tiếng cười.

Ca sỹ Lệ Hằng chia sẻ: “Chuyến đi ra đảo Trường Sa năm 2012 rất có ý nghĩa và đầy ắp kỷ niệm. Tôi như được hòa mình vào cuộc sống của các chiến sĩ ở nơi đây”.

Trở về Đất mẹ cùng với đoàn Kiều bào về quê đón Tết lần này, trong buổi tổng duyệt của chương trình “Xuân Quê hương 2013 - Đất Tổ rạng ngời”, ca Lệ Hằng cảm thấy bùi ngùi, xúc động khi hát nhạc phẩm “Một cõi đi về” của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi

Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt

Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt

Rọi xuống trăm năm một cõi đi về…”

Khi cất lên tiếng ca trong nhạc phẩm “Một cõi đi về”, Lệ Hằng như thấy bóng dáng, hình ảnh của mình trong đó. Trở về quê hương sau 32 năm xa cách, chị cảm thấy như “cánh chim tìm về tổ ấm”, như “con thơ tìm dòng sữa mẹ”…

Trong chuyến hành trình về quê cha đất Tổ lần này, ca sỹ Lệ Hằng đã tham gia nhiều hoạt động xã hội có ý nghĩa cũng như tham quan nhiều danh thắng, phố phường ở Hà Nội và TP HCM.

Tận mắt chứng kiến cuộc sống thanh bình và sung túc của người dân, chị ngạc nhiên vì Việt Nam đang phát triển nhanh chóng ngoài sức tưởng tượng.

Cũng giống như nhiều Việt kiều khác, chị thấy mình cần phải có trách nhiệm và đóng góp hơn nữa cho sự phát triển của quê hương.

Tâm sự với chúng tôi, ca sỹ Lệ Hằng cho biết, chị quyết định dành thời gian còn lại của cuộc đời để trở về quê cha đất Tổ và hy vọng sẽ tiếp tục con đường ca hát nếu như có lời mời. Ngoài ra, chị sẽ tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện để góp phần xua tan nỗi đau cho những mảnh đời bất hạnh, trẻ em không may mắn./.