Tỉnh Bình Định đang gồng mình chống hạn, trong đó ưu tiên nước sinh hoạt cho người và gia súc.
Đã hai tháng nay, ao hồ, giếng nước ở các xã phía Đông huyện Phù Mỹ không còn nước. Người dân phải đi xa hàng cây số để tìm nguồn nước cho trâu bò. Riêng nước sinh hoạt phải mua từng lít về dùng.
Đồng khô cỏ cháy, cây trồng chết rụi, lúa cháy từng mảng đỏ quạch. Bà con nông dân phải bán hết heo gà vì không tìm đâu ra nước.
Bà Nguyễn Thị Pha, ở xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ cho biết chưa khi nào khô hạn như thời điểm này: “Khó khăn lắm, người dân phải vào trong đồng để đào ao, đào hồ, gánh nước về cho trâu bò uống. Còn mình uống thì phải đi mua, giếng đã khô hai tháng rồi không có nước”.
Đến nay, 43 trên tổng sống 44 hồ chứa ở huyện Phù Mỹ cạn khô. Trước tình hình khó khăn về nguồn nước, UBND huyện Phù Mỹ trích ngân sách 4 tỷ đồng để dẫn nước sạch từ nhà máy nước ở thị trấn Phù Mỹ về các điểm dân cư tập trung phục vụ sinh hoạt người dân. Còn người dân sống ở huyện lỵ đành phải chịu cảnh cắt nước luân phiên.
Bà Nguyễn Thị Hay nhà ở thôn Trung Thành 1, xã Mỹ Quang đến xã Mỹ Chánh chở nước về dùng hàng ngày, than thở: “Bà con chúng tôi đào mương, đào rãnh lấy nước xài phải tiết kiệm, ai có lợn thì phải bán lợn còn bò thì không bán nhưng dành dụm hàng ngày cho bò nó uống, phải tiết kiệm, dành dụm cho bò nó uống. Bà con chúng tôi ăn uống qua ngày, giặt giũ tiết kiệm chứ không có nhiều nước”.
Hạn hán gay gắt nhiều tháng qua trên địa bàn tỉnh Bình Định khiến 13.000ha cây trồng bị hạn, nếu 2 tuần nữa không có mưa thì diện tích khô hạn sẽ tăng thêm 8.000ha.
Nắng nóng cũng khiến diện tích nuôi trồng thủy sản giảm còn một nửa, phát sinh dịch bệnh, vật nuôi thiếu nước nghiêm trọng, số vụ cháy rừng tăng đột biến.
Hạn hán gay gắt làm cho gần 19.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt và đến cuối tháng 7 này khoảng gần 1/3 dân số cả tỉnh thiếu nước sinh hoạt. Trước mắt, tỉnh Bình Định trích ngân sách hỗ trợ người dân đào giếng, lắp đặt hệ thống nước tạm thời, huy động xe quân đội chở nước phục vụ sinh hoạt của bà con.
Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Hiện nay, ngân sách tỉnh cho ứng ra làm ngay công trình cấp nước sạch cho người dân để dùng tạm, chứ còn lâu dài thì phải làm hệ thống cung cấp nước để cung cấp nước cho nhà người dân”.
Mới đây trong chuyến kiểm tra tình hình hạn hán tại tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, mấy năm liên tục, năm nào Bình Định cũng xảy ra hạn hán, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và sản xuất.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, tỉnh Bình Định cần rút kinh nghiệm, hướng dẫn bàn con nông dân chuyển đổi cây trồng ở những nơi thường xảy ra hạn hán, đồng thời hỗ trợ để bà con có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng
“Theo tôi có thể xem xét để sớm chuyển sang những cây trồng sử dụng nước ít hơn và áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước hiệu quả cao hơn. Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng tôi sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với tỉnh để thực hiện các giải pháp kỹ thuật. Mặt khác, chúng tôi sẽ tổng hợp tình hình để báo cáo với Chính phủ có sự hỗ trợ đối với tỉnh”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Trong khi đó, nắng nóng kéo dài cũng khiến các hồ, đập thủy lợi ở tỉnh Phú Yên đang kiệt nước, nhiều diện tích cây trồng bị khô hạn nặng nhất từ trước đến nay. Tỉnh Phú Yên đang triển khai nhiều biện pháp chống hạn cứu lúa và cây trồng.
Bờ tràn đập Đồng Cam bị thiếu hụt nước từ nhiều ngày nay. Theo thiết kế, mực nước dâng cao qua tràn thì hệ thống thủy nông Đồng Cam mới đảm bảo đủ nước tưới cho diện tích hơn 17.000 ha lúa ở các huyện Tây Hòa, Đông Hòa, Phú Hòa, Tuy An và thành phố Tuy Hòa.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 đến nay, nước qua tràn liên tục giảm. Đây là đợt thiếu hụt nước nghiêm trọng, kéo dài nhất trong 3 năm trở lại đây.
Ông Huỳnh Ngọc Viễn, Trưởng trạm Thủy nông kênh chính Nam, Hệ thống thủy nông Đồng Cam cho biết: “Lượng nước ở đây phụ thuộc nhiều vào hai thủy điện Sông Hinh và Sông Ba Hạ, nếu các thủy điện trên mà chạy thì đủ mức thiết kế để tưới. Ngày 10-11/7 mặt hồ thủy điện âm tràn bảy tấc đến tám tấc không cách nào tưới được. Nước tưới đủ kênh Nam phải 2m8 nhưng mực nước hiện giờ tại kênh Nam chỉ có 1m9 thỉ không đủ thiết kế để tưới”.
Chạy máy bơm nhỏ hay đóng giếng bơm điện ngay tại đồng là cách làm khá phổ biến hiện nay của nông dân tỉnh Phú Yên để cứu lúa hè thu. Tại huyện Tuy An, chính quyền địa phương đang triển khai nạo vét lạch sông Hà Yến, hồ Đồng Tròn dẫn nước về cứu nguy cho các trạm bơm.
Ông Huỳnh Văn Thừa, cán bộ thủy nông HTX An Định, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên lo lắng: “Định kỳ 7 ngày mới được tưới một lần nhưng những vùng cao, ruộng hốc thì mới có 4 ngày đã khô rồi. Cây lúa hiện nay đang làm đòng sắp trổ rất cần nước. HTX có kế hoạch nếu vùng nào thiếu, khô ảnh hưởng đến cây lúa thì HTX dùng máy bơm hay những nguồn nước của bầu, rộc bơm tưới, chống hạn kịp thời không để ảnh hưởng đến cây lúa”.
Để khắc phục tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thủy nông Đồng Cam huy động tối đa các máy bơm để bơm nước từ sông Ba, sông Đồng Bò tưới nước cho các cánh đồng. Tuy nhiên, mực nước trên các sông này hiện đang khô kiệt nên các trạm bơm không thể hoạt động hết công suất.
Ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, tỉnh chỉ đạo các địa phương ứng kinh phí chống hạn./.