Dẫn chúng tôi tới thăm nơi “ngự yểm” của “ngài chó đá” - linh vật của làng Địch Vĩ, ông Chu Bá Đàm, người được dân làng tin tưởng giao cho trông coi nơi thờ tự “Đức Ông Hoàng Thạch” cho biết, ngày nào cũng vậy hễ ai đi qua nơi này đều dừng lại thắp một nén nhang với tâm niệm cầu mong bình an, mạnh khỏe trong công việc, hoặc đơn giản chỉ để tỏ lòng kính trọng đối với “ngài chó đá”.

a1__zatn.jpg
Bệ thờ “Đức ông Hoàng Thạch” luôn được người dân làng Địch Vĩ thường xuyên nhang khói.

Vừa dẫn chúng tôi đi, ông Đàm vừa nhắc lại truyền thuyết về tục thờ chó đá của làng, và bày tỏ những chiêm nghiệm của riêng mình về tục thờ này.

Theo ông Đàm “Đức ông Hoàng Thạch” như một biểu tượng của làng Địch Vĩ, người làng ai đi xa cũng nhớ, sống trong làng vì “ngài” mà dân làng mến thương nhau.  

Câu chuyện về gốc tích của tục thờ chó đá này như mong muốn con người ta sống bớt nghi kỵ nhau, sống gắn bó, trước sau như một. Truyền thuyết mang lời răn dạy của cha ông về lòng trung, trung ở đây là trung dũng, sắt son trước sau như một.

Theo ông Đàm tục thờ chó đá ở Địch Vĩ này xuất phát từ câu chuyện truyền thuyết dân gian ở vùng sông Hát này. Thủa xưa, có hai anh em nhà nọ, người anh tên là Ngọc Trì, người em tên là Hoàng Thạch. Người anh ra trận đánh giặc, giao lại công việc nhà cửa, ruộng vườn cho em trông nom. Diệt giặc trở về, người anh thấy vợ mình có thai nên nghi cho người em đã làm điều bất chính. Bực tức, người anh giận dữ chém chết người em, mang xác vứt xuống sông. Đến khi sinh nở, vợ người anh lại sinh ra một vật quái dị. Người em mới được minh oan. Nỗi oan tình kia khiến xác người em hóa thành đá và trôi dạt xuống khúc sông đầu làng Địch Vĩ.

Theo các cụ cao niên thôn Địch Vĩ, ban đầu người dân thôn khác phát hiện tượng đá họ huy động trai tráng trong làng ra vớt lên, nhưng dù cố gắng bao nhiêu cũng không thể nhấc pho tượng đá này lên bờ được. Về sau, bức tượng đá trôi dạt về thôn Địch Vĩ thì lạ thay, chỉ cần vài ba người là có thể nhấc bức tượng lên khỏi mặt nước.

Sau khi xây bệ thờ, người dân đặt ông Hoàng Thạch ngồi giữa, đầu hướng về Hát Môn, hai bên là đàn chó nhỏ gồm 16 con kích cỡ khác nhau. Nhóm chó đá này "ngồi" bệ vệ trên một bệ thờ xây bằng gạch, rộng 10m2, xung quanh bệ thờ có tường bao, ở giữa là táp môn trang trí khá đẹp. Trước mặt chó lớn đặt một bát hương rất to.

Phía sau di tích Phủ thờ  Tướng công Nguyễn Ngọc Trì cũng có 2 con chó đá châu đầu vào nhau.

Kể từ đó, “ngài chó đá” đã phù trợ cho dân làng Địch Vĩ làm ăn ngày một no ấm, thịnh vượng. Hàng năm, vào dịp tết Nguyên Đán, cứ đến ngày khai hạ (mồng bảy tháng Giêng), dân làng Địch Vĩ lại mang lễ vật lên đền Hát Môn để dâng lễ và hội tế.

Ông Đàm cho rằng, đây là dịp quan trọng, dân làng cùng quây quần bên nhau, chính vì thế tình cảm dân làng ngày càng khăng khít, gắn bó hơn./.