Thời gian gần đây, tỉnh Bình Dương liên tiếp xảy ra tình trạng bảo mẫu ở những cơ sở trông giữ trẻ tự phát hành hạ trẻ. Nếu chính quyền địa phương không giải quyết tận gốc vấn đề này thì nguy cơ trẻ tiếp tục bị xâm hại là điều khó tránh khỏi.

Với tổng thu nhập gần 4 triệu đồng/tháng, vợ chồng chị Phạm Thị Tuyết Vân, công nhân khu công nghiệp Thạnh Bình, thị trấn An Thạnh, huyện Thuận An chỉ đủ khả năng gửi 2 con nhỏ vào một cơ sở trông giữ trẻ tự phát ở gần nơi làm việc với giá 700.000 đồng/tháng. Mặc dù biết cơ sở trông giữ trẻ này không đảm bảo những tiêu chuẩn của một cơ sở trông giữ trẻ theo quy định nhưng gia đình chị không còn cách nào khác.

Chị Tuyết tâm sự: “Là một người mẹ có con đang gửi ở cơ sở trông giữ trẻ tư, tôi cũng rất lo sợ cho sự an toàn của con mình. Nhưng vì điều kiện kinh tế, vợ chồng tôi vẫn phải chấp nhận và chỉ biết trông chờ vào lương tâm của bảo mẫu”.

Tại các huyện Dĩ An, Thuận An, Bến Cát và Tân Uyên, hàng chục nghìn công nhân ngoại tỉnh không có chỗ gửi con. Để đáp ứng nhu cầu gửi con nhỏ của những công nhân ngoại tỉnh, hàng loạt cơ sở trông giữ trẻ tự phát mọc lên.

Tại nhiều cơ sở, một người trông giữ hàng chục trẻ trong một căn nhà, thậm chí trong một căn phòng trọ rộng từ 15 - 20m2. Người trông trẻ ở những cơ sở này, không được đào tạo và họ coi việc trông giữ trẻ là một công việc mưu sinh. Việc kiểm tra, quản lý các cơ sở này cũng gần như bị bỏ ngỏ. Chỉ đến khi xảy ra những trường hợp đáng tiếc như trẻ bị ngạt nước, bị bạo hành hay bị xâm hại, các ban, ngành chức năng của tỉnh Bình Dương mới nhìn nhận về những yếu kém trong công tác quản lý của mình.

Bà Nguyễn Hồng Sáng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương thừa nhận: “Một số địa phương ở tỉnh chưa quan tâm đúng mức trong việc quản lý các trường mầm non tư thục. Chính quyền địa phương thiếu kiên quyết trong việc đình chỉ những cơ sở trông giữ trẻ tự phát không đảm bảo an toàn cho các cháu. Hầu hết cá nhân mở lớp trông giữ trẻ vì kế sinh nhai. Họ không có kiến thức và chưa có ý thức đầy đủ về chăm sóc trẻ, thậm chí không có lòng yêu trẻ. Phần lớn các cơ sở trông giữ trẻ tự phát chưa có sự đầu tư về cơ sở vật chất...”.

Với tốc độ phát triển công nghiệp nhanh chóng, mỗi năm, tỉnh Bình Dương thu hút thêm gần 50.000 lao động ngoại tỉnh đến sinh sống và làm việc, chủ yếu là thanh niên. Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành GD-ĐT tỉnh Bình Dương, năm học 2010-2011, toàn tỉnh có gần 65.000 học sinh mầm non.

Do sự gia tăng đột biến về số lượng trẻ nên cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được. Để xin cho con vào một trường mầm non công lập phải qua nhiều thủ tục. Bên cạnh đó, các trường công lập chỉ trông giữ trẻ trong giờ hành chính. Nếu hai vợ chồng làm tăng ca thì phải gửi con ở chỗ khác ngoài giờ để đi làm.

Hiện nay, mỗi xã, phường, thị trấn của Bình Dương chỉ có một trường mầm non công lập, trong khi nhu cầu thực tế lớn gấp 5 lần. “Từ trước tới nay, chúng tôi coi việc bảo đảm an toàn cho các cháu là công việc hàng đầu. Nhưng do dân số tăng quá nhanh, chúng tôi không quản lý được hết những cơ sở trông giữ trẻ tự phát” - bà Nguyễn Hồng Sáng, Phó Giám đốc GD-ĐT tỉnh Bình Dương thừa nhận.

Bà Trương Thị Anh Đào, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương khuyến cáo: “Mong rằng, trong thời gian tới, các ban ngành đoàn thể và chính quyền các địa phương phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc chăm lo và bảo vệ trẻ em. Chúng tôi cũng mong các bậc phụ huynh cũng ý thức nhiều hơn trong việc bảo vệ con em mình”.

Các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cần kiên quyết trong việc lập lại trật tự các cơ sở trông giữ trẻ tự phát, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”./.