Ngay sau khi clip 2 bảo mẫu bạo hành trẻ ở điểm giữ trẻ Phương Anh (số 18 đường Hiệp Bình, P. Hiệp Bình Phước, Q. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) được tung ra, dư luận “sục sôi” trước những hành động độc ác của 2 bảo mẫu Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý. Sự việc khiến các bậc phụ huynh cảm thấy sốc và lo ngại khi gửi con tại các trường mầm non, đặc biệt là các trường tư thục.

bao-hanh.jpg
Hành động bạo hành dã man của 2 bảo mẫu ở điểm giữ trẻ Phương Anh khiến dư luận dậy sóng (Ảnh: Tuổi trẻ)

Việc làm của 2 cô bảo mẫu đó là không thể chấp nhận được, khi đã vi phạm nghiêm trọng cả tình người lẫn đạo đức nghề nghiệp. Những hành động của họ góp phần làm xấu thêm hình ảnh về người thầy, vốn đã có những “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Hành động tàn bạo của họ khiến dư luận bị sốc, khi những đứa trẻ còn quá nhỏ, không tự bảo vệ được mình, lại bị những người được ví như “mẹ hiền” đối xử một cách ác độc. Vụ việc khiến các nhà quản lý, nhà hoạt động xã hội, luật sư cùng lúc lên tiếng, từ đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo TP. Hồ Chí Minh đến Hội Bảo vệ Quyền trẻ em...

Tuy nhiên, để xảy ra sự việc này, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trong việc quản lý, kiểm tra hoạt động của các cơ sở nuôi dạy trẻ. Thật vô lý khi các cơ quan chức năng có cả một đội ngũ ăn lương Nhà nước, nhưng lại không phát hiện ra vụ việc (tồn tại không phải trong thời gian ngắn), mà sự việc chỉ được phát giác khi báo chí lên tiếng. Lẽ nào, trong thời gian điểm trông trẻ này tồn tại, không một nhà chức trách nào đến kiểm tra?

Khi Bộ Giáo dục - Đào tạo yêu cầu Sở Giáo dục - Đào tạo TP.Hồ Chí Minh phối hợp với chính quyền UBND quận Thủ Đức kiểm tra, báo cáo Bộ, cơ quan chức năng mới biết đây là nhóm lớp... chưa được cấp phép. Điều này cũng cho thấy, công tác kiểm tra đã không được tiến hành, hoặc chỉ kiểm tra chiếu lệ. Lạ nữa, cũng theo báo cáo, điểm trông trẻ này “vẫn treo biển và lén lút đón nhận trẻ”. Xem clip, ai cũng thấy rõ, việc nhận trẻ công khai, lại treo biển cũng công khai, mà nói là cơ sở trông trẻ này hoạt động “lén lút” liệu có thuyết phục?

Ngay sau vụ việc xảy ra, các cơ quan chức năng đã tiến hành họp, kiểm điểm. Tuy nhiên, công việc của các nhà quản lý, cơ quan chức năng không phải là chỉ “lên tiếng”, hay “rơi nước mắt” khi để xảy ra sự việc trên, mà là phải đưa ra được các giải pháp cụ thể.

Là cơ quan quản lý Nhà nước cấp cao nhất, lẽ ra, Bộ Giáo dục - Đào tạo phải có tầm nhìn để thấy trước được vấn đề này, tham mưu cho Chính phủ cũng như đề nghị các địa phương, khi phê duyệt quy hoạch các khu đô thị, công nghiệp, chế xuất phải có trường lớp cho trẻ mầm non với các tiêu chí rõ ràng. Đằng này, chỉ khi liên tiếp các vụ việc xảy ra, Bộ Giáo dục - Đào tạo mới đề xuất, trong khi những năm trước, các vụ bạo hành trẻ ở các nhà trẻ, nhóm trẻ đã từng diễn ra, thậm chí, đã có những trẻ bị tử vong, mà hầu hết, đều xảy ra ở các điểm trông trẻ tư nhân ở các khu công nghiệp. Việc tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh chỉ ào ào lên ngay sau vụ việc, nhưng rồi chỉ dăm bữa nửa tháng là lại đâu vào đấy, như vụ bảo mẫu Quản Kim Hoa trước đây là một ví dụ.

Cần giải quyết vấn đề này bằng những việc làm thiết thực, như xây dựng nhà trẻ cho các khu công nghiệp, quan tâm đến con em công nhân, kiểm tra chất lượng các trường, lớp tư thục thường xuyên...

Đây không phải vụ bạo hành trẻ em đầu tiên và chắc cũng chưa phải vụ cuối cùng, khi mà còn những cơ quan chức năng tồn tại nhưng thụ động trong mọi vấn đề thuộc chính lĩnh vực chuyên môn của mình./.