>> Đấu tranh kiên quyết với bạo hành trẻ em / Chấm dứt sử dụng bạo lực với trẻ em trên toàn cầu

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tình trạng bạo lực trẻ em đến nay vẫn chưa được ngăn chặn. Nhiều em nhỏ bị chính cha mẹ, người thân và những người có trách nhiệm bảo vệ các em có hành vi bạo lực, ngược đãi, thậm chí hành hạ dã man, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Trong lúc dư luận chưa thể quên những vụ trẻ em bị bạo lực để lại nhiều thương tích, điển hình như: Vụ em Nguyễn Thị Bình bị vợ chồng chủ quán phở Chu Văn Đức và Trịnh Hạnh Phương ở quận Thanh Xuân, Hà Nội ngược đãi, đánh đập trong thời gian dài; vụ Quản Thị Kim Oanh đánh đập trẻ em tại nhóm trẻ gia đình ở Đồng Nai; cháu Nguyễn Hào Anh, 14 tuổi ở Cà Mau bị vợ chồng chủ trại tôm Minh Đức hành hạ suốt thời gian dài với các hình thức dã man hay cháu Nguyễn Thị Như Ý mới 9 tháng tuổi ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp bị chính mẹ ruột và ông bà ngoại hành hạ, đánh đập dã man khiến cho khắp cơ thể cháu bị sưng phù, tím tái lở loét… thì gần đây dư luận lại bàng hoàng về vụ cô giáo Trần Thị Xuân Nữ, ở Nhóm trẻ tư thục Hoa Lan, quận Tân Phú, TP HCM nhốt cháu Lê Quang Vinh 4 tuổi trong thang máy khiến cháu bị nhiều thương tích. Chưa hết, Công an tỉnh Đồng Nai đang phối hợp với Công an TP HCM điều tra vụ 4 cháu bé bị ngược đãi phải bỏ trốn khỏi nhà mở (nơi bảo trợ trẻ em lang thang cơ nhỡ) do Tỉnh đoàn Đồng Nai quản lý tại phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa.

Qua những vụ trẻ em bị ngược đãi đến quặn lòng, dư luận đặt câu hỏi vì sao có những em nhỏ bị hành hạ trong thời gian dài mà không bị phát hiện và pháp luật bảo vệ trẻ em như thế nào?

Theo các chuyên gia, việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em đang ở trong vòng luẩn quẩn. Điều này thể hiện ở chỗ thiếu định nghĩa cụ thể, số trường hợp phát hiện báo cáo ít, số liệu không đầy đủ dẫn tới biện pháp can thiệp yếu. Pháp luật nước ta về bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em đã được điều chỉnh, bổ sung nhiều nhưng còn thiếu những quy định, chế tài cụ thể về các hành vi xâm hại, bạo lực đối với trẻ em; ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và các cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em. Tác dụng phòng ngừa các hành vi xâm hại, bạo lực đối với trẻ em của pháp luật chưa cao. Cơ cấu tổ chức, các thủ tục và quy trình phòng ngừa, trợ giúp và giải quyết trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực chưa được quy định rõ ràng. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, vận động giáo dục tư vấn bảo vệ trẻ em được coi đóng vai trò quan trọng cũng chưa được quan tâm đầu tư kể cả nguồn lực và trí tuệ, sáng tạo và hệ quả dẫn đến công tác phòng chống xâm hại trẻ em ở nước ta chưa cao.

Để có các giải pháp bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại lâu dài, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, cán bộ xã hội, cộng tác viên đặc biệt ở cấp xã, phường, thôn, bản, cụm dân cư. Hình thành các dịch vụ xã hội bảo vệ trẻ em có tính hệ thống, liên tục và chuyên nghiệp theo cả hai hình thức công ích Nhà nước và xã hội hoá./.