Vướng mắc từ giá đền bù 

Theo thông báo của Ban Quản lý dự án thủy điện 3 (BQL DATĐ3), trong tháng 11/2010, công trình Thủy điện Sông Tranh 2 sẽ chính thức đóng đập tích nước để phát điện. Tuy nhiên hiện vẫn có 24 hộ gia đình tại thôn 6 xã Trà Dơn (Nam Trà My) nằm trong khu vực thường nguồn lòng hồ thuộc diện giải tỏa nhưng chưa chịu di dời. Lý do các hộ này đưa ra là vì số tiền đền bù chưa thỏa đáng!

nuocxa1.jpg

Làng Nước Xa vắng lặng. Gần một tháng nữa nơi này sẽ ngập chìm trong biển nước

Khu vực Nước Xa thuộc thôn 6, xã Trà Dơn giờ đã trở nên vắng lặng. Những ngôi nhà đã được đập phá để tận thu vật liệu có thể dùng được khi các hộ di dời. Các khu vườn trở nên xơ xác chờ ngày ngập nước.

Đã có 127/151 hộ gia đình trong thôn thuộc diện giải tỏa đã di dời nhà cửa đến nơi ở mới. Song, rải rác trong khu dân cư hoang tàn này vẫn còn 24 hộ gia đình quyết “bám trụ” vì bất đồng về tiền đền bù. Vì thế mà những đứa trẻ ở đây cũng lẻ bạn, chỉ biết vui đùa bên các ngôi nhà đổ sập. Khoảng một tháng nữa thôi, cả khu này sẽ bị ngập chìm trong nước lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2.

Anh Trịnh Tấn Đức, một trong những hộ chưa di dời cho biết: Gia đình cũng biết tin nước lòng hồ đang dâng nhưng chưa đi vì việc đền bù chưa thỏa đáng. Theo đó, khi Ban Giải phóng mặt bằng đến đo đạc, kiểm kê, gia đình anh có hơn 6 ha đất sản xuất được kê khai, nhưng đến khi nhận tiền thì Hội đồng đền bù chỉ chi trả cho 4 ha.

“Đã có nhiều hộ nhận tiền rồi nhưng vẫn chưa đủ so với số tài sản đã kiểm kê. Hội đồng bồi thường có ghi biên bản lại là sẽ nhận số tiền này sau nhưng không biết đến bao giờ. Tiền chưa nhận được nên chúng tôi sẽ không đi đâu hết. Khi nào có tiền chúng tôi sẽ đingay”, anh Đức cho biết.

Tương tự, chị Trương Thị Kim Loan không chấp nhận giá đất ở đền bù theo khung giá năm 2006 nên cương quyết không di dời. Chị cho biết: “Tôi vẫn ở đây vì nhà cửa chưa làm nên không thể đi được. Khi nào nhận tiền đầy đủ thì mình đi chứ ở đây làm chi!”

Chị Loan cho biết chưa nhận được bảng áp giá và giấy thu hồi đất ở của cấp trên. Còn đối với bảng giá tham khảo thì đất ở được đền bù 30.000 đồng/1m2 phía trước và 25.000/1m2 phía sau, đất nông nghiệp là 2.000 đồng/1m2.

Trẻ con vui đùa bên những ngôi nhà đổ nát của các hộ đã di dời

Hộ ông Mạc Xuân Nguyên thì đã nhận được 2 bảng áp giá tham khảo nhưng gia đình không đồng ý ký nhận và yêu cầu “trước khi tôi đi phải có bảng áp giá rõ ràng và giấy thu hồi đất”.

“Họ bảo cầm giấy này lên trên huyện nhận tiền, nhưng tôi biết tiền chi mà nhận?. Mà số tiền tôi nhận là về cái gì, con gì, cây gì?. Không rõ ràng như vậy biểu làm sao chấp nhận được”, ông Nguyên bức xúc.

Cũng với lý do không chấp nhận mức giá đền bù, gia đình chị Lâm Thị Bích Sen, ong Nguyễn Bá Dương khẳng định sẽ chuyển di ngay sau khi được đền bù thoả đáng.

An toàn là trên hết

Các hộ dân chưa di dời cho biết đã làm đơn kiến nghị gửi lên tỉnh, huyện nhưng đến nay chưa nhận được ý kiến trả lời. 24 hộ gia đình chưa chấp nhận di dời đều có chung ý kiến là giá đền bù quá thấp. Họ không chấp nhận bảng áp giá hồi năm 2006 để chi trả cho tài sản đã được kiểm kê. Đơn giá đất ở đã duyệt còn thấp, phương án hỗ trợ chênh lệch nhà ở chưa thích đáng, số tiền bù tuổi cho cây trồng tính vào thời điểm năm 2010 chưa hợp lý.

Vì sự an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân, huyện Nam Trà My đã nhiều lần tuyên truyền, giải thích cho các hộ này nhưng đến nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Mới đây Ban Phòng chống lụt bão huyện đã xuống làm việc trực tiếp từng hộ để yêu cầu các gia đình này chuẩn bị phương án đối phó với mưa lũ vì hiện tại chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là mực nước tại khu vực này sẽ dâng cao hơn 10m và nhấn chìm tất cả! Song chính vì không chấp nhận giá cả đền bù từ phía Ban quản lý dự án thủy điện 3 nên các gia đình này nhất quyết không chấp nhận di dời.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu yêu cầu các bên liên quan cần giải quyết nhanh vấn đề đền bù, đảm bảo an toàn trước khi nước hồ dâng cao.

Trước tình hình trên, sáng 1/10/2010, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đã có buổi làm việc với lãnh đạo 2 huyện Nam – Bắc Trà My và Ban Quản lý dự án thủy điện 3.

Báo cáo của chủ đầu tư cho rằng vấn đề áp giá đền bù đối với các hộ này là đúng thực tế, phù hợp các qui định mới nhất của UBND tỉnh Quảng Nam và của Trung ương ban hành. Phương án hỗ trợ bù giá cây trồng theo mức lãi suất của các Ngân hàng thương mại là hợp lý và đảm bảo đủ quyền lợi của nhân dân. Giá đất ở và đất nông nghiệp được đền bù là đúng với khung giá của tỉnh.

Ban quản lý dự án thủy điện 3 khẳng định, yêu cầu tăng giá đất bồi thường của 24 hộ này là không phù hợp. Hiện Ban đã chuẩn bị đầy đủ nguồn kinh phí để chi trả cho các hộ dân trên (giá trị khoảng 12 tỷ đồng), nếu các hộ thống nhất, Ban sẽ tiến hành giải ngân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – ông Đinh Văn Thu yêu cầu trước ngày 15/10/2010, huyện Nam Trà My và Ban quản lý dự án thủy điện 3 cần rà soát lại danh sách tài sản của 24 hộ gia đình tại thôn 6, xã Trà Dơn không chịu di dời.

Theo đó, phải tiếp tục tổ chức giải thích rõ ràng về qui định giá trí trị đền bù đất đai, nhờ ở, cây trồng cho các hộ này hiểu rõ. Kèm theo đó là chuyển những Quyết định áp giá chi tiết từng loại tài sản của UBND tỉnh để các hộ dân biết.

Cùng với việc tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng các hộ dân chưa di dời khỏi lòng hồ, ông Đinh Văn Thu cũng yêu cầu chính quyền địa phương và Ban quản lý dự án thủy điện 3 tập trung thực hiện ngay phương án bù giá cây trồng theo mức lãi suất ngân hàng thương mại cho các hộ dân đã di dời trước đó nhưng chưa được nhận; tập trung hỗ trợ lương thực cho các hộ tái định cư khu vực lòng hồ trong thời gian 36 tháng để bà con ổn định cuộc sống. Đồng thời chuẩn bị sẵn phương tiện và nhân lực để tham gia cưỡng chế các hộ cố tình không chịu di dời và phục vụ công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn mùa mưa năm 2010.

Trong khi chờ các bên tháo gỡ vướng mắc về chuyện giải tỏa đền bù thì mực nước lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 đang ngày một dâng nhanh. Chính quyền huyện Nam Trà My và xã Trà Dơn đã lên phương án chuẩn bị lực lượng để bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân khu vực lòng hồ khi ngập nước./.