Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận một số ca nhập viện do nhiễm liên cầu khuẩn lợn.

Theo bác sỹ Cấp, bệnh nhiễm liên cầu lợn do vi khuẩn liên cầu lợn tên khoa học là Streptococcus suis gây ra. Bình thường liên cầu lợn sống, cư trú bình thường ở vùng hầu họng con lợn và có thể cư trú một cách hòa bình ở đó mà không có biểu hiện bệnh. Nhưng khi vi khuẩn này xâm nhập vào con người thì có thể gây bệnh cho con người.

anh%20dai%20dien%20benh%20lien%20cau%20lon_dhai.jpg 

Hoại tử vùng miệng - một biến chứng của nhiễm liên cầu lợn (ảnh: Sức khỏe đời sống)

Có 2 thể bệnh chính ở người khi nhiễm liên cầu lợn là viêm màng não mủ và thể nhiễm trùng huyết. Ở thể viêm màng não mủ bệnh nhân nhiễm bệnh thường có biểu hiện sốt cao, đau đầu, nôn hoặc buồn nôn, trường hợp nặng có thể hôn mê. Nếu không điều trị kịp thời và điều trị thỏa đáng thì tình trạng hôn mê càng ngày càng sâu và có thể tử vong. Trong trường hợp được điều trị tốt thì bệnh nhân có thể hồi phục, tuy nhiên khoảng 40% bệnh nhân mắc di chứng điếc tai (điếc hẳn hoặc suy giảm thính lực một phần).

Ở thể bệnh thứ 2 là thể nhiễm trùng huyết, bệnh nhân nhiễm bệnh có các biểu hiện sốt cao, sau đó xuất hiện các ban hoại tử trên da, xuất hiện tình trạng tắc mạch hoại tử ở đầu ngón chân, ngón tay. Trường hợp nặng hơn bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng sốc, tiến triển có thể suy đa phủ tạng như: sốc, tụt huyết áp, suy gan suy thận, rối loạn đông máu hoặc suy các phủ tạng khác.

Với thể bệnh này diễn biến bệnh rất trầm trọng và nguy cơ tử vong cao, theo các thống kê trên thế giới cũng như ở Việt Nam thì tỷ lệ tử vong từ 35-50%, việc điều trị cũng cực kỳ khó khăn và tốn kém. Bởi vì ngoài việc điều trị kháng sinh để giết vi khuẩn còn phải điều trị để hỗ trợ các tạng bị suy. Việc này đòi hỏi phương tiện máy móc và các phương tiện kỹ thuật cao và vô cùng tốn kém. Trung bình lộ trình điều trị một bệnh nhân nhiễm trùng huyết suy đa phủ tạng có thể từ 50-70 triệu đồng, thậm chí chi phí có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.

Bác sỹ Cấp cho biết thêm, bệnh liên cầu lợn xuất hiện quanh năm, lây nhiễm từ các con lợn lành mang vi trùng hoặc từ lợn ốm sang người. Đặc biệt, ở thời điểm có dịch bệnh ở lợn thì nguy cơ lây sang người sẽ cao hơn, bệnh cũng thường gia tăng trong những dịp mà người dân sử dụng nhiều các sản phẩm tươi sống từ lợn như dịp Tết.

Thông thường ở đàn lợn lành có tỷ lệ khoảng vài chục % lợn nhiễm vi khuẩn này nhưng không biểu hiện bệnh. Khi trên đàn lợn xuất hiện một dịch bệnh nào đó làm suy giảm sức đề kháng của con lợn thì số lượng lợn mang liên cầu lợn sẽ tăng lên. Hơn nữa, bình thường ở con lợn lành vi khuẩn liên cầu lợn chỉ sống ở vùng hầu họng nhưng với lợn ốm, các phủ tạng khác của lợn cũng mang vi trùng. Nếu chúng ta ăn những sản phẩm ấy chưa được nấu chín hoặc trong quá trình giết mổ, chăm sóc, vận chuyển… nếu không cẩn thận chúng ta cũng có thể bị bệnh.

Bác sỹ Cấp khuyến cáo người dân không nên ăn lợn bệnh, không ăn các sản phẩm chưa được nấu chín từ lợn như tiết canh, nem chua,  nem chạo, các món ăn từ lợn chần, tái… Trong qua trình chăm sóc, chữa chạy hoặc giết mổ, tiêu hủy các con lợn ốm, người làm phải có các phương tiện phòng hộ như găng tay, khẩu trang, rửa tay khi tiếp xúc…, chuồng lợn nên để cách xa nhà./.