Ngày 21/1, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay đang có chùm ca bệnh cúm với khoảng 30 bệnh nhân, đều là học sinh trong một lớp học ở Mỹ Đình, Hà Nội.

Điểm đáng chú ý là bệnh nhân nhập viện liên tục trong hai đợt 18/1 và 20/1 do bệnh lây lan rất nhanh. Kết quả xét nghiệm chiều 21/1 cho biết đây là chùm bệnh nhân cúm H1N1 chủng 2009.

Theo ông Trần Đắc Phu - cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số ca mắc cúm H1N1 giảm trong những tháng gần đây nhưng ông Phu cũng lưu ý đây là mùa thuận lợi cho bệnh cúm phát triển, tại Mỹ và Brazil số mắc cúm H1N1 đang tăng cao.

Phát biểu tại cuộc họp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức cùng ngày, cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phạm Văn Đông cho biết lần đầu tiên thế giới xuất hiện chủng cúm H6N1, sau khi liên tiếp xuất hiện các chủng cúm mới H10N8, H9N2, H7N9. Theo đó, bệnh nhân đầu tiên mắc cúm H6N1 là nữ giới, sống tại Đài Loan (Trung Quốc). Theo ông Đông, H7N9 đang lây lan mạnh nhất với 59 ca mắc trong 20 ngày đầu năm 2014, tính chung từ tháng 3/2013 đến nay có trên 200 ca mắc cúm H7N9, 30% tử vong.

Ông Đông còn nói tại Việt Nam hiện có tỉnh Bắc Ninh mới xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm chủng H5N1. Khảo sát tại các chợ có bán gia cầm sống cho biết có đến 61% chợ có phát hiện virút cúm gia cầm H5N1. Đó là chưa kể virút tồn lưu trong môi trường, đàn chim hoang, chim di trú và gia cầm nhập lậu qua biên giới đang có nguy cơ bùng phát dịch, trong đó có chủng cúm H7N9 gây bệnh nguy hiểm ở người nhưng không gây bệnh cảnh nặng ở gia cầm. Khảo sát tại VN trong một năm qua chưa phát hiện virút H7N9 trên gia cầm VN, nhưng ở Trung Quốc thì bệnh có ở 12 tỉnh.

Theo ông Trần Đắc Phu, kiểm tra tại chợ biên giới thuộc tỉnh Lạng Sơn vừa qua cho thấy việc mua bán gia cầm sống tại chợ không đảm bảo yêu cầu vệ sinh, dễ phát sinh dịch bệnh./.