Sự việc 3 trẻ tử vong khi được phẫu thuật nhân đạo hở hàm ếch tại Khánh Hòa do Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật Nụ Cười (OSCA) phối hợp với Bệnh viện Quân y 87 tổ chức đang được dư luận hết sức quan tâm. Sau sự cố nghiêm trọng này, nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến tính pháp lý cho những hoạt động của OSCA? Đơn vị nào sẽ phải đứng ra chịu trách nhiệm sau khi sự cố trên xảy ra?

OSCA chưa có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh

Theo báo cáo của OSCA, từ khi thành lập đến nay, OSCA đã tiến hành phẫu thuật nhân đạo cho khoảng trên 2.000 trường hợp dị tật khe hở môi, vòm miệng ở nhiều tỉnh thuộc miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

Trong những đợt phẫu thuật trước đó, chưa có trường hợp nào gặp sự cố như vừa xảy ra tại tỉnh Khánh Hòa.

 

tham_my_wwxs_qycs.jpgTrụ sở của OSCA tại địa chỉ 257- B3 đường Giải Phóng, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội (Ảnh: Lao động)

Chương trình phẫu thuật nhân đạo tại Khánh Hòa lần này, ông Phạm Văn Ái- Giám đốc Trung tâm OSCA không trực tiếp tham gia phẫu thuật mà chỉ đứng ra tổ chức. Các cán bộ, nhân viên y tế tham gia đợt phẫu thuật từ thiện này đến từ các cơ quan y tế tư nhân và nhà nước và các cá nhân trong đoàn phẫu thuật đều có chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, về cụ thể các vấn đề liên quan đến giấy phép hành nghề, các bác sĩ này có thực hiện đúng phạm vi hành nghề hay không thì Bộ Y tế vẫn đang tiến hành xác minh thêm. Mặt khác, chương trình phẫu thuật được sự đồng ý của Sở Y tế Khánh Hòa và OSCA đã có hợp đồng hợp tác với Bệnh viện Quân y 87 để tổ chức chương trình tại bệnh viện này.

 

 Ông Nguyễn Việt Cường

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội đến thời điểm này, OSCA không có chức năng khám chữa bệnh. Sở Y tế Hà Nội chưa nhận được hồ sơ nào của OSCA xin cấp phép khám chữa bệnh và OSCA cũng không có tên trong danh sách cơ sở khám chữa bệnh. OSCA hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ: chấn thương chỉnh hình, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, y học thẩm mỹ và tạo hình theo giấy phép hoạt động của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cấp.

“OSCA không khám chữa bệnh tại cơ sở ở Hà Nội. Nếu họ tổ chức đoàn khám chữa bệnh ở địa phương nào thì y tế địa phương đó phải chịu trách nhiệm thẩm tra về phạm vi chuyên môn, trang thiết bị, phương tiện phục vụ khám chữa bệnh…”, ông Cường nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Khoa- Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh-Bộ Y tế cho biết, theo quy định, cơ quan, tổ chức khám chữa bệnh nhân đạo phải có giấy phép hoạt động do cơ quan có thẩm quyền cấp, trong quá trình khám chữa bệnh từ thiện tại địa phương phải được sự đồng ý của Sở Y tế địa phương. Với các đoàn bác sĩ nước ngoài thì phải được sự đồng ý của Bộ Y tế.

Theo ông Khoa, OSCA không tổ chức khám chữa bệnh tại địa chỉ của trung tâm (257 - B3 đường Giải Phóng) mà đứng ra tổ chức tại một cơ sở khám chữa bệnh khác trên địa phương khác. Điều kiện để đoàn tổ chức là phải báo cáo rõ nội dung này và được sự đồng ý của Sở Y tế địa phương cũng như các bác sĩ tham gia có chứng chỉ hành nghề. Về mặt nguyên tắc chuyên môn, để đảm bảo an toàn chuyên môn kỹ thuật, các điều kiện về con người, chuyên môn kỹ thuật, trang thiết bị, thuốc, các trang thiết bị chăm sóc sức khỏe phải đảm bảo. Đó là căn cứ để Sở y tế tại địa phương cấp phép cho các tổ chức này.

Ông Khoa nói: “Về mặt chuyên môn, chúng tôi thấy rằng khi Sở Y tế cấp phép cũng dựa trên các điều kiện như tất cả phẫu thuật viên gây mê, điều dưỡng… phải có chứng chỉ hành nghề. Thứ hai là điều kiện về buồng phẫu thuật, trang thiết bị, thuốc phải đảm bảo thuốc không được quá hạn, phải đảm bảo chất lượng. Về trách nhiệm pháp lý thì cơ quan pháp lý của Bộ Y tế sẽ phải xem xét kỹ”.

Trung tâm OSCA chịu trách nhiệm về vụ việc

Liên quan đến trách nhiệm của BV Quân y 87, Thiếu tướng Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Quân y - Bộ Quốc phòng khẳng định: Bệnh viện 87 không cử nhân viên y tế tham gia trực tiếp cuộc phẫu thuật. Trong việc phối hợp với OSCA thực hiện đợt mổ nhân đạo này, Bệnh viện 87 chỉ đóng vai trò cung cấp phòng mổ, 1 số giường bệnh, một số nhân viên “chạy” vòng ngoài hướng dẫn cách đi lại trong bệnh viện làm sao cho thuận lợi. Còn toàn bộ mọi việc từ khâu xin phép Sở Y tế Khánh Hòa, trang thiết bị, thuốc men, con người, quy trình phẫu thuật đều do OSCA thực hiện. BV Quân y 87 không có chức năng kiểm tra tính pháp lý các hoạt động do OSCA thực hiện, đây là việc của Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa. Khi Sở Y tế Khánh Hòa đã cho phép, Bệnh viện 87 tự hiểu là được phép phối hợp.

Trả lời câu hỏi OSCA được Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cấp phép hoạt động về lĩnh vực khoa học công nghệ, nay họ thành lập đoàn đi khám chữa bệnh nhân đạo thì có hợp pháp không, ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết, Cục Quản lý khám chữa bệnh đang phối hợp với Sở Y tế Hà Nội làm rõ vấn đề này. “Việc OSCA thực hiện khám chữa bệnh tại Khánh Hòa đã được sự đồng ý của Sở y tế địa phương, có nghĩa là việc họ làm là hợp pháp. Còn về quy trình thẩm định của Sở Y tế Khánh Hòa, xem Sở Y tế cấp như vậy là theo căn cứ nào thì chúng tôi sẽ làm rõ”, ông Khoa khẳng định.

Ông Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh – Bộ Y tế 

Tuy nhiên, theo ông Khoa, khi sự cố trên xảy ra, Trung tâm OSCA đã tự nhận chịu trách nhiệm hoàn toàn về vấn đề này. Hiện nay, phía OSCA đã hỗ trợ mỗi gia đình có trẻ tử vong 120 triệu đồng.

Trước đó, vào chiều 28/8, Hội đồng chuyên môn đã công bố những đánh giá đầu tiên về nguyên nhân khiến 3 trẻ ở tỉnh Khánh Hòa tử vong trong khi phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch do Trung tâm OSCA phối hợp với Bệnh viện Quân Y 87 thực hiện.

Sau khi phân tích các yếu tố, Hội đồng chuyên môn đã xác định nguyên nhân dẫn đến tử vong có liên quan đến quá trình gây mê. Hội đồng chuyên môn thống nhất kết luận Trung tâm OSCA đã có 5 sai phạm, đó là: công tác chuyên môn có một số thiếu sót, chưa có quy trình cụ thể, khám tiền phẫu và xét nghiệm tiền phẫu chưa đầy đủ, không có chuyên gia Nhi khoa tham gia khám sàng lọc và chỉ định phẫu thuật, không theo dõi huyết áp trong quá trình gây mê. Khi xảy ra ca tai biến đầu tiên đã không kịp thời ngừng ngay các hoạt động khi phẫu thuật, công tác tổ chức, phối hợp trong khâu điều trị với địa phương chưa chặt chẽ. Trung tâm OSCA cũng không báo cáo kịp thời để thay đổi nhân sự.

Hội đồng chuyên môn cũng yêu cầu Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười Hà Nội- OSCA làm văn bản giải trình tại sao không ngừng ngay các hoạt động gây mê phẫu thuật ngay sau khi xảy ra tai biến đầu tiên. Đồng thời đề nghị cơ quan chức năng cung cấp bằng chứng giám định pháp lý, kiểm định độc lập về thuốc để xác định nguyên nhân dẫn đến tử vong. Bệnh viện Quân y 87 cần tiếp tục củng cố công tác gây mê hồi sức theo đúng quy định hiện hành./.

Chiều 27/8, Vnexpress dẫn lời ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, trung tâm OSCA chưa được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, việc Sở Y tế có văn bản đồng ý cho OSCA triển khai phẫu thuật từ thiện tại Khánh Hòa là dựa vào hồ sơ của OSCA gửi cho Sở, trong đó có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động công nghệ của Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội cho phép trung tâm được phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, y học thẩm mỹ và tạo hình.

“Với hồ sơ như vậy, Sở Y tế mới có văn bản đồng ý. Ngoài ra, trung tâm OSCA đã triển khai phẫu thuật từ thiện tại nhiều tỉnh trên toàn quốc với khoảng 2.500 ca thành công. Riêng tại Khánh Hòa thì đây là lần thứ tư triển khai hoạt động này", ông Minh nói./.