Từ đầu năm đến nay, 19 tỉnh, thành phố trong cả nước có dịch cúm A/H1N1, làm 159 người mắc, trong đó 3 người ở Hà Nội, Bắc Giang và Thừa Thiên Huế tử vong.

Đáng lo ngại là dịch đã bắt đầu xuất hiện tại những nơi đông người như trường học và khu công nghiệp. Những bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 đa phần ở thể nhẹ, không có biến chứng và hồi phục nhanh. Tuy nhiên, qua giám sát dịch tễ của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, số người mắc cúm A/H1N1 trong 2 tháng đầu năm nay có xu hướng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Bắc Giang, từ đầu năm đến nay, có 5 người mắc cúm A/H1N1. Mặc dù số người mắc cúm không tăng, nhưng lại có một trường hợp tử vong ngày 22/2 vừa qua. Đây là một bệnh nhân nữ, 19 tuổi ở, ở thôn Vại, xã Bích Sơn, huyện Việt Yên, công nhân của Công ty trách nhiệm hữu hạn Sanyo ở Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Việt Yên.

Do bệnh nhân tử vong vì cúm A/H1N1 làm việc tại Khu công nghiệp, nên nguy cơ lây nhiễm cho hàng nghìn công nhân rất lớn. Do vậy, ngành y tế Bắc Giang đang triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch và khuyến cáo các chủ doanh nghiệp tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh cho công nhân.

Ông Lâm Văn Tuấn, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắcxin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bắc Giang cho biết: “Khi có bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 chúng tôi đã triển khai tất cả các biện pháp như tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh; lập danh sách theo dõi 14 ngày đối với người tiếp xúc với bệnh nhân xem có bị ảnh hưởng hay không. Tại công ty Sanyo cũng triển khai các biện pháp như lau sàn bằng cloramin B, cho công nhân rửa tay trước khi vào ca, cấp cốc uống nước riêng cho công nhân…”.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, mặc dù cúm A/H1N1 trong giai đoạn này chưa ghi nhận biến đổi theo chiều hướng nặng hơn, nhưng người dân cũng không nên chủ quan bởi các bệnh cúm thông thường cũng có thể đe dọa đến tính mạng và ảnh hưởng sức khỏe người dân. Đặc biệt, là những người đang có bệnh mãn tính, người bị suy giảm sức đề kháng, người già, trẻ em và phụ nữ mang thai./.