Báo cáo tại cuộc họp, ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y cho biết, trong ba tuần qua, dịch cúm gia cầm tiếp tục được khống chế. Toàn quốc không phát sinh thêm ổ dịch mới. Tuy nhiên, trong thời gian tới, do thời tiết tiếp tục có diễn biến phức tạp làm giảm sức đề kháng gia cầm, các hoạt động vận chuyển lậu gia cầm vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, một số đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vaccine, nên nguy cơ tái phát dịch là rất cao.

Về dịch cúm A/H5N1 trên đàn chim yến, trong thời gian qua,sau khi xác định ổ dịch có cúm A/H5N1 trên đàn chim yến tại cơ sở nuôi Thanh Bình (Đạo Long, Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận), cơ quan thú y đã kết hợp quyết liệt và đồng bộ với các cơ quan chức năng tại địa phương tổ chức sàng lọc để xử lý, đồng thời tổ chức khử trùng tiêu độc toàn bộ khu vực chăn nuôi.

yen.jpg
Dự kiến ngày 10/5, tỉnh Ninh Thuận sẽ công bố hết dịch trên đàn chim yến (Ảnh minh họa)

Từ ngày 20/4 đến nay, cơ quan thú y tiếp tục lấy mẫu kiểm tra, giám sát chim yến tại Ninh Thuận và kết quả đều âm tính với virus H5N1. Đặc biệt, sau khi thực hiện nhiều biện pháp quy hoạch và kìm chế dịch, chim yến khỏe mạnh vẫn tiếp tục quay về làm tổ. Ông Đông dự kiến: “Với diễn biến này, có thể ngày 10/5, sẽ công bố hết dịch trên đàn chim yến ở Ninh Thuận".

 
 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám nhấn mạnh: trong quá trình xử lý dịch cúm A/H5N1 trên đàn chim yến, không có chuyện tận diệt đàn chim này mà UBND tỉnh Ninh Thuận đã phối họp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Thú y cùng với Thú y vùng 6 xử lý ổ dịch rất thận trọng, quyết liệt theo đúng yêu cầu của công tác phòng chống dịch. Theo đó, toàn bộ chim yến yếu, non, bị bệnh chết hoặc tiêu hủy gần 15.000 con trên tổng số hơn 100.000 con tại tại hộ nuôi Thanh Bình.

Tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ phối hợp với địa phương tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm về phòng chống và xử lý dịch. Đây cũng là cơ sở cho cuộc hội thảo tại TP HCM do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức (dự kiến vào ngày 22/5) về việc đóng góp ý kiến vào Thông tư quy định tạm thời về dẫn dụ và khai thác chim yến, làm cơ sở pháp lý để quản lý.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám yêu cầu, các thành viên Ban chỉ đạo cần tăng cường phối hợp với địa phương trong phòng chống dịch, nhất là tăng cường xét nghiệm các mẫu gia cầm tại các chợ, khu vực biên giới để kịp thời phát hiện, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch, đặc biệt là sự xâm nhiễm virus cúm A/H7N9.

Liên quan đến dịch cúm A/H7N9 đang nhanh chóng trở thành mối lo ngại trên toàn thế giới trước nguy cơ bùng phát một đại dịch cúm trên toàn cầu, tại cuộc họp chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: mới đây, trong cuộc họp huy động nguồn lực cho phòng chống dịch cúm A/H7N9,  Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng bản kế hoạch phòng chống dịch.

Trong tình hình kể trên, Bộ Y tế đề xuất khoản kinh phí gần 115 triệu USD cho 4 tình huống phòng chống cúm H7N9 tại VN. Trong đó có trên 78 triệu USD từ tài trợ quốc tế và trên 36 triệu USD từ Chính phủ VN. Với hoạt động này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đề xuất khoản kinh phí 5,5 triệu USD cho các hoạt động ưu tiên trong ngắn hạn.

Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cam kết sẽ tích cực ủng hộ các biện pháp chủ động của Chính phủ Việt Nam trong việc đối phó với nguy cơ dịch bệnh.

Nhằm ứng phó kịp thời nguy cơ lây nhiễm cúm A/H7N9, theo đề nghị của nhà tài trợ, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ phối hợp để xây dựng kế hoạch chung trong giai đoạn chưa có dịch./.