dau_tam__lunc.jpg
Dâu tằm có vị ngọt, tính hàn, không độc, được sử dụng làm thuốc chữa rất nhiều bệnh như: chứng huyết hư váng đầu, ù tai, táo bón, phụ nữ bế kinh, người hay đổ nhiều mồ hôi, trẻ con mồ hôi trộm, rụng tóc, tóc bạc sớm...
Dâu tằm đang vào mùa chín đỏ rực, bạn có thể tranh thủ làm siro dâu tằm để ăn quanh năm với những lưu ý sau.
Để siro dâu tằm để được lâu, bạn phải rửa sạch dâu tằm và loại bỏ tất cả những quả dập nát trước khi đem ngâm.
Dâu tằm mua về bạn đem ngâm nước muối loãng để làm sạch. Khi rửa chú ý nhẹ tay vì dâu chín rất dễ bị làm nát.
Sau khi rửa khoảng 2 – 3 lần nước thì tráng qua một lượt với nước nóng khoảng 80 độ C rồi để ráo nước. Cách làm này giúp quả dâu khô mà không bị nát. 

Bạn đổ nước vào nồi, cho muối vào rồi đặt lên bếp đun sôi. Khi nước sôi, muối tan hết, bạn bắc nồi xuống để nguội bớt rồi thả dâu vào chần qua. Chỉ chần dâu từ 2 – 3 phút thì vớt ra và để ráo nước. Thao tác này giúp dâu tránh tạo màng khi ngâm.
Bỏ dâu đã chần qua vào lọ thủy tinh. Xếp lần lượt một lớp dâu tằm thì rải một lớp đường đến khi hết thì đậy bình kín, bảo quản ở nơi thoáng mát khoảng 2 – 3 ngày. Tỉ lệ chuẩn để ngâm dâu tằm là 1kg dâu tằm: 0,8kg đường. Với tỉ lệ này, sau hai ngày là đường sẽ tan hết và đảm bảo là siro không bị lên men trong quá trình bảo quản. 
Khi đường tan hết thì chắt phần nước siro ra, đem đun sôi nhỏ lửa, hớt sạch bọt. Trước khi tắt bếp thì cho thêm một chút muối để tăng độ đậm đà cho siro.
Nếu muốn siro dâu tằm được đậm đặc thì cho một muỗng canh bã quả dâu vào xay sinh tố rồi đun cùng với siro.
Siro dâu tằm làm đúng cách sẽ để được rất lâu mà không cần bảo quản trong tủ lạnh. Bã quả dâu tằm sau khi làm siro có thể cho vào rượu để ngâm thành rượu dâu tằm.