Thông tin được đưa ra tại hội thảo "Những xu hướng lớn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Nhận diện tác động và khuyến nghị đối với Việt Nam" trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức.
Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ nếu không có cách tiếp cận đúng đắn và bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0. |
Đối với Việt Nam, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đang mang lại cơ hội cho nền nông công nghiệ số hoá giúp tăng năng suất lao động, cải thiện hệ thống kết nối thông tin, tiết kiệm chi phí quản lý, chi phí sản xuất, mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, nếu không có cách tiếp cận đúng đắn và bắt kịp trình độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn về công nghệ, tình trạng dư thừa về lao động và sự bất bình đẳng trong xã hội.
Bên cạnh đó, sự liên kết và gắn kết trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn tới vấn đề biên giới mềm, quyền lực mềm, an ninh không gian mạng và vấn đề tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia. Điều này đòi hỏi cần có sự ứng phó chủ động và kiểm soát tốt nhất để bảo đảm chủ quyền và an ninh cho người dân và đất nước.
Theo Tiến sỹ Stefan Hajkowicz, Csiro, Australia, thực tế hiện nay, việc khai thác đúng đắn và kịp thời những thách thức và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang là những thách thức chung của nhiều quốc gia. Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, thách thức đó càng lớn.
Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Quang Liêm, Trưởng Nhóm nghiên cứu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận định, cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi cả Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam phải có những đổi mới mạnh mẽ.
"Cần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ cho nền công nghiệp số hoá, chuẩn bị toàn diện cho quá trình chuyển đổi số, bắt đầu từ quản trị công quốc gia đến các mô hình kinh doanh trong nền kinh tế số, xã hội số; Phát triển cơ sở hạ tầng thông tin, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao; Cải cách hành chính; Nâng cao năng lực cạnh tranh...", GS-TS Nguyễn Quang Liêm đề xuất.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của các công nghệ số như: Internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)...
Ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. |
Theo báo cáo đánh giá đánh giá mức độ sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam xếp thứ 48/100 về Cấu trúc của nền sản xuất và thứ 53/100 về Các yếu tố dẫn dắt sản xuất. Đánh giá về mức độ sẵn sàng, Việt Nam mặc dù vẫn ở nhóm Sơ khởi nhưng khá gần với nhóm Tiềm năng cao.
Ông Chu Ngọc Anh cho biết, với vai trò là cơ quan đầu mối do Chính phủ giao, trong thời gian tới Bộ KH&CN tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tham gia nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 (do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì) và Nghị quyết về chương trình hành động của Chính phủ để cụ thể hóa các nội dung và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị.
"Ngoài ra, để phục vụ các nhà khoa học, doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ và chuyển giao công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0, làm cơ sở nhân rộng các kết quả ra khối doanh nghiệp, Bộ KH&CN cũng đang nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng phê duyệt và đưa vào triển khai “Chương trình trọng điểm cấp quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0", Bộ trưởng nhấn mạnh./.Robot đầu tiên có quyền công dân Sophia giao lưu tại Việt Nam
Làm nông nghiệp, không phải cứ ứng dụng công nghệ cao là thành công