Tại Hội thảo quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt Nam 2019, Đại tá Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng mạng internet cao nhất thế giới với khoảng 64 triệu người (chiếm 67% dân số).

Các thiết bị thông minh trở nên phổ biến và quen thuộc, gắn liền với sinh hoạt, học tập, lao động, sản xuất của hầu hết quần chúng nhân dân, tạo nên một xã hội thông tin và nền kinh tế tri thức.

vov_video_xau_doc_sqte.jpg
Những "giang hồ mạng" như Khá "BảnH", Dương Minh Tuyền... gây tác động tiêu cực đến nhận thức của giới trẻ.

Tuy nhiên, song hành với những hiệu quả tốt, Việt Nam đang phải chịu nhiều tác động mạnh mẽ bởi các diễn biến của tình hình an ninh mạng, thậm chí đe dọa ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh trật tự của đất nước.

Thống kê mới nhất đến hết năm 2018 cho thấy, Việt Nam đứng trong nhóm 10 quốc gia sử dụng mạng xã hội nhiều nhất thế giới. Bên cạnh những thông tin hữu ích, người dùng ở Việt Nam, nhất là đối với giới trẻ như thanh thiếu niên, trẻ em đang bị tác động tiêu cực bởi hàng ngàn thông tin hình ảnh bạo lực, kích động đến sự phát triển và hình thành nhân cách.

Theo Đại tá Đỗ Anh Tuấn, thời gian vừa qua hình ảnh phản cảm, phát ngôn tục tĩu của các "giang hồ mạng" như Ngô Bá Khá (Khá "Bảnh"), "Thánh chửi" Dương Minh Tuyền, Trần Ngọc Phúc... được đưa lên mạng đã thu hút hàng triệu lượt theo dõi, hàng trăm nghìn lượt thích và bình luận, chủ yếu là giới trẻ, học sinh.

"Hình ảnh trên mạng của các nhân vật này đã ảnh hưởng xấu đến nhận thức về giá trị cuộc sống của một số bạn trẻ. Có học sinh coi như thần tượng hay đi xe hàng trăm km đến chỉ để được chụp ảnh cùng những đối tượng này", Đại tá Tuấn nhấn mạnh.

Lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho rằng để hạn chế tác động đến học sinh, các cơ quan chức năng phải đồng hành để ngăn chặn những video có nội dung xấu, độc hại đang lan truyền trên mạng.

Đại tá Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an.

Về vấn nạn tin giả trên mạng, Đại tá Tuấn cho rằng đây là thách thức lớn với các nhà quản lý vì hiện nay việc lan truyền tin tức xấu, giả mạo đa phần mang tính cá nhân với dụng ý lôi kéo sự chú ý, gây hoang mang tâm lý của người khác. “Từng có thông tin giả mạo đưa lên mạng đã làm một số công ty, cửa hàng, doanh nghiệp điêu đứng, sập tiệm”, ông Tuấn cho hay.

Đại diện Cục An ninh mạng, điều tra tội phạm công nghệ cao đánh giá văn hóa phẩm có nội dung đồi truỵ, tình trạng môi giới mại dâm xuất hiện tràn lan trên mạng đang là vấn đề “rất nghiêm trọng”. “Ai cũng có thể dễ dàng tìm thấy nó nhưng để gỡ bỏ hết lại rất khó”, đại tá Tuấn chia sẻ.

Đề xuất các giải pháp để ngăn chặn được thông tin xấu độc trên không gian mạng, đại diện Cục An ninh mạng cho rằng cần phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chính sách, đặc biệt cụ thể hóa Luật An ninh mạng và đưa quy định về xử lý vào thực tiễn.

Bên cạnh đó, người dân nên tự trang bị các kiến thức về sử dụng mạng, đặc biệt phải nghiên cứu, tìm hiểu về trách nhiệm đăng tải thông tin của mình trên không gian mạng để không vi phạm./.