Hôm nay (28/08), Trường Đại học Thuỷ lợi phối hợp với Đại học Duy Tân và Đại học Queen’s Belfast tổ chức Hội thảo Quốc tế lần thứ 4 về công nghệ tiên tiến trong xử lý Tín hiệu, Viễn thông và Điện toán, với chủ đề “Internet kết nối vạn vật và mạng truyền thông 5G giảm thiểu thảm hoạ thiên nhiên và suy thoái môi trường”.
Hội thảo đã tạo ra một diễn đàn giao lưu học thuật hàng đầu, nhằm trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu tiên tiến nhất có thể ứng dụng trong đời sống, đặc biệt là trong việc phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.
Những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực xử lý tín hiệu, viễn thông và điện toán đã chia sẻ về các khả năng ứng dụng cảm biến thông minh, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống.
Đặc biệt, các ứng dụng công nghệ có thể giúp dự báo trước các nguy cơ thiên tai ở vùng ven biển. Bà Donna Mc Gowan - Giám đốc Quốc gia Hội đồng Anh tại Việt Nam – tin tưởng rằng, các công nghệ mới trong quá trình phân tích dữ liệu lớn của Dự án sẽ giúp người dân các vùng ven biển ở Việt Nam có thể giảm thiểu rủi ro.
“Trong khuôn khổ hợp tác với Trường Đại học Thuỷ Lợi, Đại học Queen’s Belfast, chúng tôi cho rằng dự án này có thể cảnh báo sớm và cho phép người dân ven biển có đủ thời gian tiến hành các hoạt động ứng phó phù hợp, giảm thương tích, thiệt hại về người và tài sản. Chúng tôi hy vọng kết quả của Dự án sẽ góp phần hạn chế các rủi ro thiên tai mà người dân ven biển ở Việt Nam vẫn đang phải hứng chịu” - bà Donna Mc Gowan.
Năm 2013, cả nước đã hứng chịu những trận lụt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hơn 10 triệu người dân duyên hải miền Trung (từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hoà). Trong các thảm họa thiên nhiên như vậy, nếu có thể cảnh báo sớm, chính xác, thì thiệt hại về người và tài sản sẽ giảm đi một cách hữu hiệu.
Do đó, Dự án “Hướng tới giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng phục hồi trước các nguy cơ ven biển: Cách tiếp cận phân tích dữ liệu lớn” được GS. TS Nguyễn Trung Việt - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thuỷ Lợi và GS. TS Dương Quang Trung, Đại học Queen’s Belfast đồng chủ nhiệm đang nghiên cứu các số liệu ở vùng ven biển Việt Nam, dựa trên các kinh nghiệm của các chuyên gia Vương quốc Anh cùng các nhà kỹ thuật thuỷ văn, thuỷ lực và công trình biển ở trong nước.
GS. TS Nguyễn Trung Việt - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thuỷ Lợi - cho biết: “Chúng tôi rất tự tin khẳng định rằng dự án hoàn toàn có thể đáp ứng được các yêu cầu mục tiêu đặt ra, bởi vì đến thời điểm này chúng tôi đã trải qua 2 đợt khảo sát đo đạc, thu thập dữ liệu để phục vụ cho việc mô phỏng tính toán. Đã công bố được khá nhiều bài báo trên các tạp chí quốc tế và các thư viện quốc tế rất uy tín. Đặc biệt là sử dụng công nghệ 5G cũng như là IoT cho lĩnh vực quản lý thiên tai, sử dụng cách tiếp cận là dữ liệu lớn và đã có những kết quả rất khả thi”.
Cùng với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo IoT, dữ liệu lớn, công nghệ 5G trong việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai và tăng cường khả năng phục hồi trước các nguy cơ ở vùng ven biển, thì đồng chủ nhiệm Dự án - GS. TS Dương Quang Trung, Đại học Queen’s Belfast - cho biết, Dự án sẽ đề xuất một mạng lưới viễn thông khẩn cấp phục vụ cho việc ứng phó với thiên tai dựa trên các phân tích dữ liệu lớn.
Dự kiến hệ thống này có thể cải thiện độ chính xác của các dự đoán trong môi trường thay đổi linh hoạt và cho phép phản ứng nhanh trong điều kiện, nguồn lực hạn chế tại các khu vực xảy ra thiên tai ở các nước đang phát triển như Việt Nam./.