Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế Internet năng động nhất trong khu vực Đông Nam Á với tỷ lệ dân số sử dụng mạng Internet ở mức cao.

Theo một con số thống kê, tỷ lệ người Việt sử dụng Internet chiếm tới hơn 70% dân số. Cũng theo báo cáo e-Conomy SEA 2021 do Google, Temasek và Bain & Company công bố, từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới, trong đó có hơn một nửa đến từ các khu vực không phải thành phố lớn với mức độ thâm nhập cao của các ứng dụng, mạng xã hội.

Nghiên cứu mới từ Q&me thực hiện đầu năm 2022 với một nhóm người dùng từ 18 - 44 tuổi cho thấy, mạng xã hội ngày càng được nhiều người Việt sử dụng.

Theo đó, 84% người dùng cho biết dùng mạng xã hội để kết nối với bạn bè; 79% người sử dụng để giải trí; 72% người dùng đọc các tin tức mới. Tỷ lệ người dùng mạng xã hội để mua sắm là 44% và 41% sử dụng cho mục đích học tập, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn.

Thời gian sử dụng mạng xã hội trải ra các giờ trong ngày, nhưng cao điểm nhất là thời gian từ 18h – 22 giờ hàng ngày.

Theo kết quả khảo sát đối với những người dùng trong độ tuổi từ 18 – 44 tuổi cho thấy, Facebook vẫn là nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất đang được sử dụng tại Việt Nam. Theo đó, tỷ lệ người dùng đang sử dụng Facebook đạt 97%, trong đó 94% là người dùng hàng ngày, tăng 1% so với năm ngoái.

Sau Facebook, 86% người dùng sử dụng YouTube, trong đó 81% người dùng hàng ngày, tương đương so với năm ngoái. Ứng dụng này có mức độ phổ biến cao hơn trong giới trẻ.

Có 87% người sử dụng mạng xã hội dùng Zalo, với mức độ phổ biến cao hơn ở nữ và độ tuổi từ 26 - 44. Trong đó, tỷ lệ người dùng hàng ngày lên tới 88%, tăng 4% so với năm ngoái.

TikTok là ứng dụng có mức tăng trưởng tốt nhất khi tỷ lệ người dùng đang sử dụng tăng từ 49% lên 62%. Lượng người dùng ứng dụng này hàng ngày là 74%, tăng lên 8% so với trước đó.

Cùng với mức độ phổ biến, Facebook vẫn là mạng xã hội được yêu thích nhất nhưng tỷ lệ này đã sụt giảm đáng kể so với năm ngoái. Số liệu cho thấy, tỷ lệ yêu thích mạng xã hội này sụt giảm từ 56% xuống 46%. Trong khi đó, mức độ yêu thích của TikTok tăng lên mạnh, từ 5% lên 14%, tương đương với mức độ phổ biến tăng lên thời gian qua. Người dùng TikTok tập trung cao ở độ tuổi từ 18 – dưới 30 tuổi.

Nền tảng mạng xã hội với định dạng video ngắn, nhiều bộ lọc hình ảnh, âm thanh độc đáo này ngày càng trở nên phổ biến với giới trẻ khi tạo được các “trend” (xu hướng).

Trước đó, hãng nghiên cứu thị trường này cũng đã công bố nghiên cứu cho thấy các ứng dụng được sử dụng trên điện thoại di động hàng ngày của người Việt tăng cao, trong đó có cả các mạng xã hội. Theo đó, số lượng ứng dụng trên điện thoại năm 2021 tăng lên với con số 25,7 so với 22,1 ứng dụng của năm 2020. Trong đó, tỷ lệ sử dụng nhiều ứng dụng cũng tập trung ở nhóm người dưới 26 tuổi.

Người dùng Việt dành 1/5 thời gian sử dụng mỗi ngày dành cho các ứng dụng mạng xã hội, xem video, tin nhắn/cuộc gọi trực tuyến. Thời gian sử dụng còn lại dành cho các ứng dụng chơi game, tìm kiếm hay mua sắm online.

Năm 2021 có nhiều ứng dụng di động hơn, tuy nhiên, các ứng dụng được sử dụng nhiều nhất vẫn là Facebook, Youtube, Zalo, TikTok, Facebook Messenger, Shopee. Các ứng dụng này chiếm tới 60% thời gian sử dụng của người dùng điện thoại tại Việt Nam.

Tik Tok tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành ứng dụng phổ biến hơn, nhất là trong giới trẻ. Thống kê cho thấy, tỷ lệ người dùng ứng dụng này tăng từ 34% (năm 2020) lên 53% (năm 2021); thời lượng sử dụng ứng dụng này tăng lên gấp đôi, từ 4% lên 8% trong năm 2021. Zalo có mức tăng trưởng từ 7% lên 8%. Ở chiều ngược lại, thời lượng sử dụng Facebook của người dùng tại Việt Nam giảm từ 25% (năm 2020) xuống còn 20% (năm 2021).

Trước đó, số liệu từ cơ quan hữu trách cho thấy các mạng xã hội xuyên biên giới vào Việt Nam như Facebook, YouTube, TikTok đang chiếm ưu thế so với mạng xã hội trong nước. Theo thống kê, Facebook có khoảng 65 triệu thành viên Việt Nam, YouTube có khoảng 60 triệu và TikTok khoảng 20 triệu người dùng.

Nghiên cứu cũng cho thấy, tỉ lệ người sử dụng các ứng dụng mua sắm và thanh toán trực tuyến đều tăng lên trong năm qua.  Những người sử dụng ứng dụng trên di động đã tăng lên tới 68% so với con số 61% của năm 2020, trong đó, Shopee và MoMo là các ứng dụng dẫn đầu của những xu hướng này./.