Theo Coin Telegraph, chú rể Ryan và cô dâu Candice Hurley đã thuê công ty luật Rose Law Group thực hiện các thủ tục hợp thức hóa hôn lễ. Đám cưới được tổ chức tại khu đất của Rose Law Group trên Decentraland. Công ty này chuyên phát triển khung pháp lý cho hình thức kết hôn trên metaverse bằng cách xác định danh tính số, tài sản số của cặp đôi và ghi lại dữ liệu trên blockchain.

Giấy phép kết hôn của cặp đôi sẽ được lưu dưới dạng NFT (token độc nhất) trên blockchain, kèm theo thông tin về danh tính của cô dâu, chú rể và địa điểm cử hành hôn lễ.

Jordan Rose - người sáng lập công ty Rose Law Group khẳng định đây là một trong những hôn lễ đầu tiên diễn ra trên không gian metaverse. Bà cho biết: "Hiện tại chưa có khuôn khổ pháp lý cho đám cưới trên metaverse, vì vậy ràng buộc pháp lý cho cuộc hôn nhân là vấn đề thuộc về hợp đồng".

Metaverse có thể biến mọi ý tưởng đám cưới trong mơ của các cặp đôi trở thành hiện thực vì không vướng phải những rào cản vật lý. Bà Jordan Rose cũng dự đoán trong tương lai, những người tổ chức đám cưới trên metaverse sẽ không cần phải lưu hồ sơ kết hôn ngoài đời thực.

Dẫu vậy, do lượng khách mời quá đông nên không tránh khỏi một số rắc rối nảy sinh trong quá trình cử hành hôn lễ, như không đủ số lượng quà NFT để tặng cho toàn bộ khách mời tham dự sự kiện, avatar (hình đại diện) của cô dâu cũng liên tục bị lỗi, không thể hiện lên trong đám cưới. Cuối cùng, khách mời phải đề xuất Rose Law Group livestream trực tiếp sự kiện trên Instagram khi nền tảng Decentraland gặp trục trặc.

Dù có sự hỗ trợ của Rose Law Group, đám cưới của cặp đôi Ryan và Candice Hurley vẫn chưa được một số chuyên gia pháp lý công nhận. Bộ Hôn nhân Mỹ quy định hôn lễ hợp pháp phải có sự tham gia của "người thật việc thật".

Nhiều bang ở Mỹ thậm chí còn không công nhận những đám cưới được tổ chức từ xa thông qua hình thức gọi điện video.

Tuy chưa thể vượt qua một số rào cản pháp lý, kết hôn trên metaverse đang dần trở thành trào lưu nhờ sự tiện lợi, vượt qua mọi khoảng cách địa lý và đảm bảo an toàn cho những khách mời trong thời gian dịch bệnh Covid-19 hoành hành. Trên hết, những cặp tình nhân tổ chức đám cưới còn có thể tự chọn thiết kế avatar ảo và không gian tổ chức hôn lễ mà không cần phải mất quá nhiều chi phí như đám cưới trong thực tế.

Chỉ sau đám cưới của Ryan và Candice Hurley một ngày, cặp đôi người Ấn Độ Dinesh Kshatriya và vị hôn thê Janaganandhini Ramaswamy cũng dắt nhau vào lễ đường trên metaverse. Theo Fortune India, toàn bộ hình ảnh avatar ảo, thiệp mời đám cưới và các khoảnh khắc trong hôn lễ của cặp đôi sẽ được tập hợp thành một bộ sưu tập NFT độc quyền, cho phép những nhà sưu tầm có thể mua trên nền tảng Guardianlink.io. Ý tưởng đám cưới kết hợp kinh doanh NFT độc đáo của cặp đôi Ấn Độ nhanh chóng tạo nên một cơn sốt. Nền tảng Guardianlink.io ghi nhận NFT avatar của cô dâu chú rể hết hàng chỉ trong vòng vài giây. Một số NFT có giá ban đầu 10 USD giờ được bán lại ở mức 4.450 USD, gấp 400 lần con số ban đầu.

Đám cưới trên metaverse chỉ mới xuất hiện gần đây nhưng việc ghi lại dữ liệu kết hôn bằng công nghệ blockchain đã có từ lâu. Năm 2014, một trong những đám cưới blockchain đầu tiên đã diễn ra trong khuôn khổ hội nghị Disney World Bitcoin với thông điệp "chỉ có cái chết mới chia lìa chúng ta, bởi vì blockchain tồn tại mãi mãi". Tháng 4/2021, cặp vợ chồng ở California (Mỹ) làm việc tại sàn giao dịch Coinbase đã tự viết hợp đồng thông minh (smart contract) trên Ethereum để tạo ra nhẫn cưới NFT cho đám cưới của họ./.