Theo FocusMalaysia, Huawei được thành lập vào năm 1987, thời điểm các ngân hàng không muốn cho các công ty nhỏ mới thành lập vay tiền. Huawei đã phải tăng vốn bằng cách bán cổ phiếu cho nhân viên, một thỏa thuận vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Nhân viên mua cổ phiếu bằng tiền của chính họ, và nhận cổ tức hằng năm dựa trên số lượng cổ phiếu mà họ nắm giữ. Họ cũng bầu chọn các thành viên để thành lập Ủy ban đại diện trên cơ sở một phiếu bầu cho mỗi cổ phần và Ủy ban này bầu ra Hội đồng quản trị của công ty.
Một hệ thống chia sẻ rủi ro và lợi nhuận như vậy cung cấp cho Huawei nguồn vốn mà công ty cần để tăng trưởng dài hạn và đặt nền tảng cho việc điều hành và quản lý. Được sở hữu tư nhân giúp Huawei tránh khỏi những áp lực ngắn hạn mà các công ty niêm yết công khai phải đối mặt. Điều này giúp Huawei có thể duy trì sự tập trung lâu dài vào R&D.
Hiện tại, nhà sáng lập kiêm CEO Huawei Ren Zhengfei (Nhậm Chính Phi) chỉ nắm giữ khoảng 1% cổ phần Huawei, trong khi phần còn lại được nắm giữ bởi công đoàn của Huawei, nền tảng mà thông qua đó nhân viên sở hữu công ty. Việc các công ty ở Trung Quốc thành lập công đoàn để đóng vai trò là nền tảng cổ phần của họ là điều phổ biến và hợp pháp. Về cơ bản, nó giống như nhiều công ty khác trên thế giới đang làm như John Lewis Partnership (một tập đoàn cửa hàng bách hóa ở Anh) và Essilor (một nhãn khoa quốc tế có trụ sở ở Pháp).
Một lãnh đạo Huawei cho rằng: “Trong khi một số cáo buộc Huawei có thể trở thành ông lớn trên toàn cầu nhờ sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc nhưng trên thực tế, chúng tôi là công ty hoạt động độc lập và tuân theo logic của kinh doanh, không phải chính trị”./.