Sáng 25/9, UBND TP HCM và Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo quốc tế "Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)- Khuyến cáo cho TP HCM". Tham dự Hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM, lãnh đạo Ngân hàng Thế giới cùng hơn 400 chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, đại diện các bộ, ban ngành trung ương và TP.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, đây là lần thứ 2 TP tổ chức hội thảo về AI để tìm con đường ngắn nhất trong triển khai ứng dụng công nghệ nhân tạo trên diện rộng trong bối cảnh TP bước vào giai đoạn 2, giai đoạn tăng tốc trong xây dựng TP trở thành đô thị thông minh.
vov_tp_hcm_1__kzzk.jpg
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong chụp ảnh cùng ông Ousmane Dione và các đại biểu.
Kết quả hội thảo là cơ sở quan trọng để TP xây dựng hệ sinh thái ứng dụng AI, thành lập trung tâm ứng dụng AI trong thời gian tới và bổ sung nhiều dữ liệu để xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ TP sắp tới.

Từ năm 2015, TP đã đưa các dự án ứng dụng AI vào danh mục kích cầu với nhiều ưu đãi lãi suất. Đến năm 2017 TP đã tích hợp một số lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vào đề án xây dựng đô thị thông minh. Mặc dù TP có những kết quả tích cực nhưng nhìn chung quá trình ứng dụng AI còn chậm so với các đô thị thế giới. Nguyên nhân là do nguồn nhân lực không đủ và trở thành điểm nghẽn kìm hãm quá trình ứng dụng AI. 

Từ hội thảo này, TP trực tiếp lắng nghe các ý kiến hiến kế kinh nghiệm của các chuyên gia trong và ngoài nước để định hướng đi phù hợp trong thời gian tới. Một số vấn đề TP đặt ra là mô hình nào, cơ chế nào để phát triển AI; sự liên kết tứ giác cách mạng 4.0 là nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính; hệ sinh thái phát triển AI; sự hấp dẫn với doanh nghiệp và tổ chức tài chính, sự sẵn sàng của TP như thế nào…

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết: "TP đang từng bước chuyển mình thành siêu đô thị và mong muốn đem đến cho người dân tiện tích mới AI là giải pháp thỏa mãn điều đó. Từ những kinh nghiệm thực tiễn đã đúc kết, TP mong muốn có những khuyến nghị mang tính căn cơ để khắc phục điểm nghẽn trong nghiên cứu ứng dụng AI hiện nay, giúp TP nhanh chóng hòa mình trong cuộc cách mạng 4.0".

Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, vấn đề TP HCM đang phải cố gắng giải quyết là hạ tầng, giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường... làm sao để cung cấp chất lượng sống tốt hơn. Trong bối cảnh mà nguồn lực, nhất là nguồn đất đai hạn hẹp thì việc ứng dụng AI là rất cấp thiết. Với AI, những thách thức trên có thể được giải quyết. 

Ông Ousmane Dione cũng đặt vấn đề TP cần trả lời một số câu hỏi liên quan đến AI như: Ứng dụng cái gì và ứng dụng như thế nào để mang đến cho TP khả năng phát triển mạnh hơn và rủi ro nào có thể gặp phải. TP có thể học hỏi các TP đã đi trước như New York (Mỹ) trong quản lý an toàn thực phẩm, Buenos Aires (Argentina) trong ứng dụng chống ngập, các trung tâm toàn cầu như Hồng Kông, Singapore... 

AI mô phỏng bộ não con người hỗ trợ quá trình ra quyết định của con người nhưng AI vẫn là công cụ để phục vụ con người nên TP phải đặt ra những kỳ vọng rõ ràng, thực tế, đảm bảo môi trường để AI thành công và quản lý rủi ro.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam

Ông Ousmane Dione chia sẻ: "Tôi kết luận và khẳng định AI mang lại những kết quả rất lớn. Công nghệ phải đem lại kết quả, kết quả phải phục vụ con người, sự quyết tâm và kỷ luật sẽ mang đến kết quả. TPHCM có thể thành vườn ươm để đột phá AI".

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Bùi Thế Duy cũng cho rằng hiện nay cần phải thay đổi nhận thức là không thể dựa vào nhân công mà phải là AI bởi công nghệ đang thay đổi cuộc sống. Trong quá trình đó, cần phải làm chủ công nghệ, có thói quen tích lũy dữ liệu đầu vào cho AI, đặc biệt cần phải chia sẻ dữ liệu với nhau để cùng phát triển, cạnh tranh với các nước.

"Còn nhiều việc để làm, cần phải nỗ lực rất lớn và điều chúng ta còn rất yếu là tinh thần chia sẻ. Làm trí tuệ nhân tạo mà không chia sẻ cho nhau, cơ quan nhà nước không chia sẻ nhau, không chia sẻ cho doanh nghiệp, doanh nghiệp không chia sẻ cho nhau thì khó. Nếu cộng lại chia sẻ thì có cơ hội tạo ra sản phẩm tốt hơn nhiều" - Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.

Chiều 25/9, hội thảo tiếp tục với một số chuyên đề cụ thể như: Vai trò của nghiên cứu trong phát triển AI, cơ hội và thách thức trong tiếp cận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo của ngành y tế TP HCM, áp dụng AI cho quản lý quy hoạch đô thị- phân tích ảnh vệ tinh cho TP HCM...

Bên lề hội thảo, ngày mai UBND TP HCM tổ chức hội nghị tập huấn cập nhật, bổ sung kiến thức nâng cao nhận thức về AI cũng như khả năng, lĩnh vực ứng dụng AI trong nghiên cứu, quản lý và sản xuất./.