Trước đó, ngành công nghiệp hàng không và FAA đã đưa ra lo ngại về khả năng gây nhiễu sóng 5G đối với các thiết bị điện tử hàng không nhạy cảm như máy đo độ cao vô tuyến. Đáp lại, các nhà mạng AT&T và Verizon Communications vào tháng 11 đã đồng ý hoãn việc ra mắt thương mại dịch vụ cho đến ngày 5/1 năm sau. Hai công ty dự kiến hợp tác với FAA để giải quyết các lo ngại liên quan đến nguy cơ gây ảnh hưởng tới thiết bị an toàn buồng lái, vốn cũng dùng băng tần C.

FAA đã ban hành hai chỉ thị sửa đổi hướng dẫn sử dụng máy bay và máy bay trực thăng để cấm một số hoạt động yêu cầu đọc máy đo độ cao vô tuyến khi tín hiệu 5G băng tần C được triển khai. Một trong những chỉ thị nói rằng “tình trạng không an toàn” do việc sử dụng 5G băng tần C gây ra đòi hỏi phải có hành động ngay lập tức vì “các dị thường đo độ cao vô tuyến không được phát hiện bởi hệ thống tự động hóa máy bay hoặc phi công, đặc biệt là ở gần mặt đất… có thể làm ảnh hưởng đến an toàn khi hạ cánh”.

Trước đó, trong một cuộc họp vào tháng 8/2021 với Ủy ban Viễn thông Liên bang, ngành công nghiệp hàng không đã cảnh báo về “va chạm” giữa hai lĩnh vực. Họ cho rằng nếu không có động thái thì gián đoạn có thể xảy ra. Điều này đã buộc FAA phải giảm năng lực hoạt động hàng không.

“Mặc dù chưa có cảnh báo về can thiệp có hại với 5G tại các quốc gia khác nhưng các phi công được khuyến nghị rằng họ phải chuẩn bị cho khả năng sự xâm nhập từ 5G và các công nghệ khác có thể khiến một số thiết bị an toàn nhất định trục trặc”, FAA đưa ra trong một tuyên bố.

FAA đang tiếp tục đàm phán với Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC), Nhà Trắng và các đại diện trong ngành về các hạn chế có thể có. Họ dự kiến ​​sẽ đưa ra trong những tuần tới./.