Việc smartphone đang ngày càng trở nên quen thuộc với khu vực nông thôn Việt Nam được đánh giá là cơ hội để Facebook hướng đến trong thời gian tới. Điều này là hoàn toàn có cơ sở bởi theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, vào năm ngoái, trong số 98 triệu người dân có 62 triệu người đang sống ở nông thôn, trong khi chi tiêu của họ sẽ tăng nhanh hơn so với những người ở thành thị.

Facebook dự báo chi tiêu ở nông thôn Việt Nam cho hàng tiêu dùng nhanh sẽ tăng 7% hàng năm từ 2020 đến 2025, so với mức tăng trưởng 2% ở các thành phố. Số người xem video trực tuyến tại nông thôn cũng lần đầu tiên vượt TV. Khảo sát với 4.500 người ở nông thôn từ công ty truyền thông GroupM cho thấy, trong khi TV là hình thức truyền thông chính tại nông thôn vào năm 2018 thì đến năm 2020, con số này giảm xuống còn 86%, trong khi tỷ lệ thâm nhập internet đạt 91%.

Cuộc khảo sát từ Facebook cho thấy, 92% số hộ gia đình nông thôn ở Việt Nam có smartphone. Họ sử dụng chúng để chơi game, mua sắm và xem TV với những thao tác sử dụng tinh vi, có thể khai thác hết các công cụ có trong tay. Chính vì lý do này Facebook đang muốn đặt trọng tâm vào một số lĩnh vực liên quan đến thói quen xem video ngày càng phát triển của người dùng nông thôn, bao gồm phát trực tiếp, xem video trên Facebook Watch, video clip trong News Feed, đăng bài trên Instagram,… Để phát triển thương mại điện tử trên các dịch vụ này, chúng sẽ được bổ sung chức năng trò chuyện, giúp người bán trả lời câu hỏi trực tiếp.

Facebook hy vọng những công cụ này sẽ giữ cho các nhà bán lẻ kết nối với người dùng Facebook, đặc biệt là sau khi chính sách của Apple có hiệu lực vào tháng 4 vừa qua với iOS 14.6, yêu cầu các ứng dụng phải có sự đồng ý của chủ sở hữu iPhone để theo dõi họ. Chính sách thay đổi có nghĩa là các công ty sẽ khó gửi các quảng cáo được nhắm mục tiêu đến cơ sở khách hàng của họ hơn.

Hiện tại các nhà quảng cáo vẫn đang tìm cách thích ứng với chính sách theo dõi chặt chẽ hơn của Apple. Quảng cáo tùy chỉnh vẫn là hiệu quả nhất, trong khi loại hình thương mại xã hội mà Facebook đã triển khai trước đó chưa thực sự hiệu quả.

Khó khăn của Facebook hiện nay là phải đối mặt với sự cạnh tranh của các dịch vụ video phổ biến với người dân trước đó là YouTube và mới nhất là TikTok.

Chưa dừng lại ở đó, các doanh nghiệp hướng đến thương mại trực tuyến cũng lo ngại khu vực nông thôn khi chi phí mua sắm vẫn còn đắt để mọi người tiếp cận. Nguyên nhân vì ít cơ sở hạ tầng bên ngoài các thành phố, trong khi chi phí logistics bên ngoài thành phố cũng cao khiến người dân e dè, bất chấp doanh nghiệp vẫn đẩy mạnh các hoạt động quảng cáo./.