Trong cuộc phỏng vấn với Nikkei, ông Sun thừa nhận các lệnh cấm vận của Mỹ là thách thức lớn với Huawei và công ty vẫn đang trong “chế độ sống sót”. Ông nói thêm rằng tăng trưởng của bộ phận năng lượng kỹ thuật số sẽ đóng góp quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của Huawei. Đây là bộ phận cung ứng các thiết bị như hệ thống hiệu quả năng lượng AI và biến tần cho các cơ sở như trang trại năng lượng mặt trời và trung tâm dữ liệu.
Ông đánh giá Châu Á – Thái Bình Dương là thị trường có tiềm năng lớn nhất đối với bộ phận này. “Tất cả các nước trong khu vực đang chủ động tham gia lĩnh vực năng lượng xanh và trung lập carbon”, ông nói. “Huawei được hoan nghênh tại nhiều nước”.
Do lệnh cấm của Mỹ, Huawei bị hạn chế tiếp cận công nghệ xuất xứ Mỹ, ảnh hưởng lớn đến bộ phận smartphone. Mỹ và các nước phương Tây cũng cấm sử dụng thiết bị 5G Huawei trong hạ tầng viễn thông. Vào tháng 3, Huawei báo cáo doanh thu năm 2021 đạt 636,8 tỷ NDT (99,9 tỷ USD), giảm 28,5% so với năm 2020. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng tăng hơn 75% nhờ tăng trưởng ổn định và loại bỏ một số bộ phận.
Nổi tiếng với smartphone và thiết bị viễn thông, Huawei cũng là một ông lớn trên thị trường biến tần – thiết bị quan trọng trong các trại năng lượng mặt trời và trung tâm dữ liệu. Theo ông Sun, Huawei đứng thứ nhất tại Trung Quốc và trên toàn cầu về biến tần.
Ban đầu, Huawei phát triển công nghệ năng lượng kỹ thuật số để dùng nội bộ. Dựa trên các công nghệ này, sau đó, công ty mở ra hàng loạt sản phẩm cho các ngành công nghiệp. Tháng 6/2021, hãng thành lập bộ phận năng lượng kỹ thuật số. Doanh thu của bộ phận tăng hơn 30% trong năm ngoái và tiếp tục đà tăng mạnh mẽ trong năm nay.
Bộ phận năng lượng kỹ thuật số của Huawei đang tuyển dụng khoảng 6.000 nhân viên với 12 trung tâm R&D tại Trung Quốc, châu Âu và châu Á. Công ty đang thúc đẩy mảng này tại châu Á – Thái Bình Dương. Chẳng hạn, tại Singapore, nhà cung cấp năng lượng sạch Sunseap sử dụng thiết bị và công nghệ Huawei cho trang trại năng lượng mặt trời nổi. Huawei còn cung ứng công nghệ năng lượng mặt trời cho các trường học và bệnh viện tại Indonesia, Campuchia.
Ông Sun cho biết có “nhu cầu khổng lồ” đối với năng lượng kỹ thuật số trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.
Khi được hỏi các lệnh cấm vận có tác động đến chuỗi cung ứng năng lượng kỹ thuật số của Huawei hay không, ông Sun đáp: “Huawei đang trong quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng, vì vậy, chúng tôi không phụ thuộc vào một quốc gia hay công ty duy nhất”. Dù vậy, ông chia sẻ Huawei chưa vào giai đoạn có thể không bị ảnh hưởng vì lệnh cấm vận.
Biến tần của Huawei sản xuất tại Trung Quốc thông qua chuỗi cung ứng toàn cầu, song công ty đang cân nhắc chế tạo tại các nước khác nếu cần thiết. Thời điểm hiện tại, khi Trung Quốc tiến hành phong tỏa vì Covid-19, ông Sun nói Huawei đã đa dạng hóa các nhà cung ứng để duy trì kinh doanh và đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Về kế hoạch mở rộng bộ phận trong tương lai, ông Sun bày tỏ “rất lạc quan về tương lai của mạng lưới sạc (xe điện)”./.