Bằng chứng là số thông báo về nạn nhân của tấn công trên tại châu Á và châu Âu đang dần ít hơn.

Theo người phát ngôn Cơ quan thực thi pháp luật của Liên minh châu Âu (EU) Jan Op Gen Oorth, số nạn nhân của vụ tấn công mạng toàn cầu có vẻ như không tăng thêm và cho đến nay, tình hình đang dần ổn định hơn ở châu Âu. Đây được xem là một thành công lớn và nó cũng cho thấy, “các ông lớn phần mềm an ninh mạng” đang nỗ lực cập nhập phần mềm an ninh của mình để đối phó với tin tặc.

zing_attack_msuw.jpg
Ảnh minh họa
Trong khi đó, cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Anh Jeremy Hunt trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin BBC (Anh), đã nói rằng, cơ quan tình báo Anh không tìm thấy bằng chứng gì cho thấy, một vụ tấn công mạng quy mô toàn cầu thứ 2 có thể xảy ra trong ngày 15/5. Nhận định của ông Jeremy Hunt đã được Ủy ban Tội phạm Quốc gia Anh trong lần cập nhật trạng thái mới nhất trên trang mạng twetter của cơ quan này cũng đã nói rằng chưa phát hiện vụ tấn công mạng thứ 2 do mã độc WannaCry xảy ra.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng thận trọng khuyến cáo người dùng không nên chủ quan. Bởi việc cơ quan này chưa phát hiện ra vụ tấn công không có nghĩa là một vụ tấn công khác sẽ không xảy ra.

Còn tại châu Á, tốc độ lan rộng của mã độc dường như cũng đang chậm lại. Tại Hàn Quốc, đến nay mới chỉ có 4 công ty thông báo gặp vấn đề trong tuần qua. Tại Indonesia số ca bị ảnh hưởng của vụ tấn công tại hai bệnh viện của nước này đã được chặn đứng. Còn ở Nhật Bản, cả 2 công ty lớn là Nissan và Hitachi đều thông báo có bộ phận bị ảnh hưởng song không đến mức nghiêm trọng.

Nguồn tin từ Trung Quốc cho biết, tại công ty phần mềm công nghệ Qihoo của nước này có hàng trăm nghìn máy tính ở công ty này ban đầu đã bị ảnh hưởng của vụ tấn công. Nhiều trường đại học với hệ thống máy tính đã lạc hậu cũng bị ảnh hưởng. Có không ít cơ sở đã phải trả tiền cho hacker để lấy lại dữ liệu. Không ít cơ quan Chính phủ cũng bị liên lụy song mức thiệt hại được cho là không quá nghiêm trọng./.