Thông tin này được công bố trong bối cảnh Ấn Độ đang chuẩn bị mở lại quy trình cấp giấy phép viễn thông 5G vốn bị đình hoãn từ đầu năm do dịch bệnh Covid-19.
Dù đây chưa phải là thông tin chính thức, nhưng căn cứ theo các quy định về đầu tư vừa được chính phủ Ấn Độ sửa đổi hôm 23/7, các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc sẽ không còn cơ hội tham gia vào thị trường 1,3 tỷ dân này. Theo đó, Ấn Độ đã viện dẫn các quan ngại về an ninh để ngăn chặn các nhà thầu từ các quốc gia có chung đường biên giới với Ấn Độ tham gia các dự án hạ tầng quan trọng.
Theo báo chí Ấn Độ, lệnh cấm đối với Huawei và ZTE sẽ được đưa ra trong vòng 1 -2 tuần sau khi được Văn phòng Thủ tướng chấp thuận. Dự kiến trong vài tuần tới, Bộ Thông tin Ấn Độ sẽ khởi động lại quy trình xem xét cấp giấy phép triển khai mạng viễn thông 5G cho các công ty tư nhân. Hiện tại, đang có 3 hồ sơ xin cấp phép của các hãng viễn thông là Bharti Airtel NSE, Reliance Jio Infocomm và Vodafone Idea.
Kết quả xét chọn sẽ được công bố vào đầu năm tới. Quyết định của Ấn Độ được đưa ra sau khi Mỹ, Anh và Australia đã cấm các công ty được cho là có liên hệ với chính phủ Trung Quốc tham gia triển khai các dự án hạ tầng viễn thông 5G.
Hồi đầu năm nay, Ấn Độ đã cấp phép cho Huawei triển khai thử nghiệm mạng 5G tại nước này. Tuy nhiên, New Delhi đã thay đổi quan điểm, siết chặt các quy định và xem xét loại các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc sau khi căng thẳng biên giới giữa 2 nước bùng phát hồi tháng 5. Cuộc đối đầu quân sự giữa quân đội Ấn - Trung, dẫn tới vụ đụng độ chết người tại thung lũng Galwan ngày 15/6 đã chấm dứt các cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp Trung Quốc.
Thách thức với tương lai 5G của Ấn Độ
Tuy nhiên, việc loại Huawei và ZTE khỏi các cuộc xét chọn giấy phép 5G cũng làm nảy sinh nhiều thách thức với chính Ấn Độ.
“Hạ tầng viễn thông đã trở thành các tài sản an ninh quốc gia và các nước đang quan tâm tới việc kiểm soát và quản lý như đối với điện lực và nguồn nước” - Nikhil Batra, nhà phân tích của Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) có trụ sở tại Sydney, Australia nhận xét.
Cũng theo Nikhil Batra: “Nhưng với thị trường Ấn Độ, nước này đang phải giải quyết bài toán giữa phát triển hạ tầng và quy định pháp lý. Thị trường thiết bị viễn thông chỉ là một phần nhỏ trong đó. Vì thế các thách thức với Ấn Độ sẽ phức tạp hơn với quyết định này".
Thực tế, IDC dự đoán các công ty viễn thông phải đầu tư khoảng 4 tỷ USD để thiết lập hạ tầng 5G tại Ấn Độ. Điều này là rào cản rất lớn bởi các doanh nghiệp như Bharti Airtel hay Vodafone Group và thậm chí cả các doanh nghiệp nhà nước vẫn đang còn phải chật vật với bài toán lợi nhuận của mạng viễn thông 4G hiện tại.
Điều quan trọng khác là Ấn Độ hiện đang phụ thuộc khá nhiều vào các thiết bị của Trung Quốc để thiết lập hệ thống 4G. Theo ông Rajiv Sharma, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của công ty chứng khoán SBICAP, việc ‘đóng cửa’ với Huawei và ZTE có thể khiến chi phí để chuyển đổi sang 5G của Ấn Độ tăng thêm 35%.
Cơ hội cho thiết bị nội địa ?
Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà đầu tư Ấn Độ đều lo lắng trước thách thức này. Việc loại các công ty Trung Quốc cũng đang tạo điều kiện cho tập đoàn Reliance của tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani vươn lên thống lĩnh thị trường viễn thông di động lớn thứ 2 thế giới này.
Chủ tịch Reliance Mukesh Ambani hôm 15/7 tuyên bố, công ty viễn thông Jio Infocomm của ông sẽ sớm cho ra mắt mạng 5G tại Ấn Độ với công nghệ được phát triển trong nước. Điều này giúp tỷ phú giàu nhất châu Á Mukesh Ambani tự tin sẽ ‘miễn nhiễm’ trước các tranh chấp mang tính chính trị liên quan tới các nhà cung cấp thiết bị Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà quan sát nhận định, với việc đại dịch Covid-19 kéo dài và ngày càng xấu đi, khiến kinh tế Ấn Độ sa sút trầm trọng, rất khó có khả năng chính phủ nước này triển khai đấu thầu mạng viễn thông 5G trong tương lai gần./.