Bằng việc đầu tư cho khoa học công nghệ, nghiên cứu phát triển, Công ty TNHH Ngọc Linh đã thành công trong việc chế biến bã thải GYPS từ các nhà máy phân bón DAP thành thạch cao làm phụ gia điều chỉnh thời gian đông kết cho xi măng.

Qua đó, hứa hẹn tháo được “ngòi nổ” của các “quả bom rác” GYPS đang tiềm ẩn nguy cơ gây ra các sự cố môi trường do các nhà máy DAP thải ra.

Đề tài khoa học ra đời từ gợi mở của Phó Chủ tịch Quốc hội

Vừa qua, Công ty TNHH Ngọc Linh, một doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu khoa học chế biến bã thải GYPS thành thạch cao làm phụ gia điều chỉnh thời gian đông kết cho xi măng. Hội đồng khoa học đề nghị đơn vị tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất để có thể sản xuất với quy mô công nghiệp, giải quyết bài toán chất thải GYPS từ các nhà máy sản xuất phân bón DAP.

thach_cao_hyhc.jpg
Thu hồi thạch cao nhân tạo từ bãi thải GYPS.

Thành công của đề tài hứa hẹn sẽ “tháo ngòi” được “quả bom” chất thải GYPS Nhà máy DAP Đình Vũ ước trên 4 triệu tấn đang nằm chềnh ềnh ở khu chứa rác thải của nhà máy. Mấy năm trở lại đây, nhân dân và Chính quyền TP Hải Phòng vẫn coi đây là một “quả bom” ô nhiễm môi trường với rất nhiều sự cố, hệ lụy đã xảy ra, tiềm ẩn nguy cơ gây ra sự cố môi trường tương tự Formosa.

Những kết quả nghiên cứu, thử nghiệm của Công ty Ngọc Linh được Hội đồng khoa học do PGS.TS Lương Đức Long, Viện trưởng Viện Vật liệu Xây dựng làm chủ tịch kết luận, bằng phương pháp hóa học, với các quy trình công nghệ của mình, Công ty Ngọc Linh có thể xử lý chất thải GYPS thành thạch cao nhân tạo đủ tiêu chuẩn sử dụng trong quá trình sản xuất xi măng.

Trước thông tin này, ông Phạm Quốc Ka, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng, một trong hàng triệu công dân của Hải Phòng không giấu nổi niềm vui sướng. Ông Ka cho rằng, mình là một trong những người sung sướng nhất, bởi bấy lâu nay, ngành tài nguyên môi trường luôn trở thành tâm điểm của các chất vấn trên nghị trường và công luận xung quanh quả bom chất thải GYPS.

Bãi thải cao hàng chục mét ở Hải Phòng đã có hướng giải quyết.

Gần đây nhất, ngay tại chất vấn tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP Hải Phòng khóa XV, ông Phạm Quốc Ka cũng đã phải trả lời chất vấn của các đại biểu về "núi" chất thải Gypsum chưa qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường do nhà máy sản xuất phân bón DAP Đình Vũ thải ra, chất đống, vượt quá quy định cho phép, có bãi cao đến 40m.

Rất ít người biết rằng, Đề tài khoa học nêu trên của Công ty TNHH Ngọc Linh lại xuất phát từ trăn trở của một đại biểu dân cử đặc biệt. Đó chính là Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Trong một lần về dự kỳ họp HĐND TP Hải Phòng cách đây 3 năm, ông Uông Chu Lưu suy nghĩ rất nhiều trước bức xúc gay gắt của cử tri và đại biểu HĐND thành phố về núi chất thải GYPS của Nhà máy DAP Đình Vũ.

Trước đó, tình cờ biết được Công ty Ngọc Linh đã từng xử lý chất thải tương tự ở một số nơi, ông Uông Chu Lưu đã trao đổi với lãnh đạo TP Hải Phòng về hướng giải quyết này và nhận được sự đồng tình cao của lãnh đạo thành phố. Tiếp đó, lãnh đạo Công ty Ngọc Linh đã liên hệ với TP Hải Phòng cùng lãnh đạo Công ty CP DAP Vinachem - Đình Vũ và thống nhất triển khai đề tài khoa học giải quyết “quả bom rác”.

Xuất phát từ bức xúc của cử tri, nhân dân Hải Phòng và sự gợi mở của cá nhân Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu là tiền đề thúc đẩy Công ty TNHH Ngọc Linh thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học chế biến bã thải GYPS thành thạch cao làm phụ gia điều chỉnh thời gian đông kết cho xi măng.

Đề tài do ba nhà khoa học nhiều lần nhận Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Vifotec) gồm Thạc sĩ Vũ Đức Tuấn, Kỹ sư Trịnh Văn Tiến và Thạc sĩ Trịnh Hồng Tú thực hiện.

Sau thời gian nghiên cứu, triển khai, đề tài đã thu hồi thành công thạch cao có chất lượng đảm bảo các yêu cầu trong dự thảo tiêu chuẩn TCVN Thạch cao phốt pho dùng để điều chỉnh thời gian đông kết trong sản xuất xi măng. Bước đầu cung cấp sản phẩm cho một số nhà máy sản xuất xi măng như: Xi măng VINACONEX Yên Bình; Xi măng Yên Bái; Xi măng Tân Quang. Thành công của đề tài, theo ông Phạm Quốc Ka, chính là món quà đầu xuân không thể ý nghĩa hơn dành cho nhân dân và chính quyền Hải Phòng.

Công ty Ngọc Linh đầu tư sáng tạo đúng hướng

Có mặt tại Hội nghị Khoa học và Công nghệ đánh giá chất lượng sản phẩm thạch cao nhân tạo thu được từ quá trình xử lý chất thải GYPS (bã thải phosphogypsum) của nhà máy phân bón DAP Vinachem Đình Vũ, Hải Phòng do Viện Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) phối hợp với Công ty TNHH Ngọc Linh tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, một trong những chủ trương của Chính phủ hiện nay là ưu tiên các nhà sản xuất trong nước đưa ra các giải pháp công nghệ xử lý chất thải, phế thải của các sản phẩm công nghiệp, vừa bảo đảm hiệu quả kinh tế, đặc biệt là bảo đảm môi trường. Công ty Ngọc Linh đã đầu tư phát triển, sáng tạo đúng hướng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại hội nghị.

Hoan nghênh doanh nghiệp đã tự bỏ tiền đầu tư nghiên cứu khoa học, ông Uông Chu Lưu nhấn mạnh, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện làm sao sản phẩm thạch cao nhân tạo khi đưa ra thị trường phải bảo đảm tính ổn định, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, đặc biệt là các tiêu chí môi trường, đồng thời bảo đảm hiệu quả kinh tế xã hội lâu dài.

Nhấn mạnh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nặng nề từ 20 triệu tấn tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện, 6-7 tấn chất thải từ các nhà máy phân bón, hóa chất trên địa bàn cả nước, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đánh giá cao công trình khoa học biến bã thải GYPS độc hại thành thạch cao nhân tạo của Công ty Ngọc Linh.

Người đứng đầu ngành xây dựng đề nghị Công ty hoàn chỉnh quy trình sản xuất để có thể sản xuất ở quy mô công nghiệp, thương mại hóa thành công. Ông cũng gợi ý Công ty Ngọc Linh cùng với Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, với khoảng 30% thị phần xi măng cả nước, xem xét bắt tay hợp tác.

Ông Vũ Đức Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Linh khẳng định, Công ty sẽ nhanh chóng hoàn thiện quy trình chế biến bã thải GYPS thành thạch cao nhân tạo để sớm xử lý bài toán môi trường đang gây bức xúc của nhân dân và chính quyền Hải Phòng.

Ông tự tin công ty sẽ giải quyết được bài toán môi trường, xử lý số chất thải GYPS thải ra từ các nhà máy phân bón, hóa chất tại Việt Nam, mà dự kiến đến năm 2020, mỗi năm thải ra xấp xỉ 3,9 triệu tấn. Bên cạnh lợi ích môi trường, với giá thạch cao nhân tạo do Công ty sản xuất rẻ chỉ bằng ½ giá thạch cao nhập khẩu, khi sản xuất ở quy mô công nghiệp sẽ giúp thay thế các sản phẩm thạch cao đang phải nhập khẩu hoàn toàn, từ đó góp phần tiết giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh của các công ty xi măng trong nước./.

Với công nghệ thu hồi thạch cao từ bã thải GYPS mà Công ty TNHH Ngọc Linh thực hiện thì 1,1 tấn GYPS sẽ thu hồi 1 tấn thạch cao. Giá sản phẩm khoảng 600.000 đồng/tấn, bằng 50% thạch cao nhập khẩu từ Lào, Thái Lan và 70% giá nhập khẩu từ Oman.