Mạng xã hội với ưu điểm về mức độ tương tác và kết nối cao hơn so với các phương tiện truyền thông truyền thống, đang trở thành kênh thông tin có số lượng người truy cập ngày càng lớn.
Mạng xã hội đang từng ngày trở thành phương tiện truyền thông thống trị. (Ảnh minh họa: KT). |
Một là các mạng xã hội do doanh nghiệp trong nước cung cấp, được Bộ TT&TT cấp phép hoạt động (hiện có 410 mạng), bắt buộc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, như: Otofun, webtretho, lamchame, tinhte…
Hai là các mạng xã hội do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, hoạt động không cần có giấy phép (vì không lập văn phòng đại diện tại Việt Nam) như: Facebook, YouTube, Instagram, Twitter…
Riêng mạng xã hội Facebook, Việt Nam là một trong những nước có số người sử dụng mạng xã hội Facebook nhiều nhất trên thế giới, với 64 triệu tài khoản, chiếm 3% số người dùng toàn cầu. YouTube là 45 triệu tài khoản.
Theo ông Lưu Danh Anh Vũ, Giám đốc Nhóm Giải pháp an ninh bảo mật, IBM Việt Nam, với xu hướng kết nối, hội nhập, mạng xã hội là một cơ hội tốt để chia sẻ kiến thức, cập nhật thời sự, kết nối bạn bè, gia đình và cộng đồng. Tại Việt Nam, Facebook còn được sử dụng như một phương tiện truyền thông có sức lan tỏa rất nhanh.
"Tuy nhiên khi mạng xã hội bị lợi dụng để làm những điều không tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xã hội, lợi ích cộng đồng, thậm chí cả an ninh quốc gia... Việc làm sao kiểm soát để hài hòa được mọi mặt là không dễ dàng", ông Lưu Danh Anh Vũ nhận định.
Ông Lưu Danh Anh Vũ, Giám đốc Nhóm Giải pháp an ninh bảo mật, IBM Việt Nam. |
Theo các chuyên gia công nghệ, mạng xã hội là nền tảng công nghệ cho phép thu thập dữ liệu từ người dùng. Tất cả các mạng xã hội đều có những cách khác nhau để khiến người dùng trực tiếp hay gián tiếp cung cấp thông tin càng nhiều càng tốt và điều này cũng tiềm ẩn hàng loạt nguy cơ.
Với sức mạnh của mình, mạng xã hội có thể gây ra hàng loạt nguy cơ liên quan đến lộ lọt dữ liệu người dùng (từ danh tính, số điện thoại, địa chỉ nhà, số tài khoản…), bị lây nhiễm virus máy tính, phần mềm độc hại, tài khoản thẻ tín dụng bị hacker tấn công (ví dụ tài khoản thẻ dùng để thanh toán quảng cáo Facebook)…
Vụ lộ lọt dữ liệu gần 90 triệu người dùng của Facebook vừa qua là hồi chuông cảnh báo về an toàn an ninh dữ liệu người dùng trên toàn thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Ông Đỗ Ngọc Duy Trác, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và Huấn luyện An ninh mạng (CSO) nhận định, mạng xã hội đang từng ngày trở thành phương tiện truyền thông thống trị.
Ông Đỗ Ngọc Duy Trác, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và Huấn luyện An ninh mạng (CSO). |
"Mạng xã hội đang là nguy cơ hàng đầu đe dọa trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia. Hoạt động sử dụng không gian mạng của người dân Việt Nam cần được quan tâm hơn nữa. Cơ quan quản lý cần có biện pháp bảo vệ người dùng Việt Nam trên các mạng xã hội", ông Đỗ Ngọc Duy Trác nhấn mạnh.
Ông Lê Quang Tự Do cũng thừa nhận, quản lý mạng xã hội ở Việt Nam đang có một số bất cập hạn chế như các quy định của pháp luật chủ yếu quản lý chặt chẽ các trang mạng xã hội trong nước do Bộ TT&TT cấp phép. Trong khi đó, các trang mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam thì chưa có các quy định quản lý thật sự hiệu quả.
Ông Đỗ Ngọc Duy Trác cho rằng cần thiết lập khả năng phối hợp kịp thời với các mạng xã hội để phòng chống tội phạm. Có biện pháp, phương án phòng ngừa, giới hạn các thiệt hại có thể xảy ra khi an ninh quốc gia bị đe dọa thông qua mạng xã hội.
Về phía người dùng cuối cần lưu ý luôn có ý thức bảo vệ thông tin cá nhân khi đăng tải trên mạng, không phải thông tin gì cũng đưa lên, nhắm tránh những rủi ro tiềm ẩn về sau./.