Chuyển đổi số sẽ giúp cho doanh nghiệp phát triển nhanh hơn trong kinh doanh, điều này không ai phủ nhận, nhưng theo bà Vũ Thị Hồng Nhung, Phó giám đốc Công ty cổ phần VietRAP, mặc dù có tới 85% số doanh nghiệp quan tâm đến nền kinh tế số, nhưng lại có hơn 70% số doanh nghiệp đang băn khoăn không biết làm gì để đón nhận và sẵn sàng trong bối cảnh hiện nay.
Nhiều doanh nghiệp vẫn có xu hướng sử dụng lao động thủ công để thay thế máy móc. Thêm vào đó là tình trạng thiếu hụt nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin vẫn diễn ra phổ biến, có đến 66% số doanh nghiệp không có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin.
Bởi vậy, theo bà Vũ Thị Hồng Nhung, doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa sẵn sàng cho việc chuyển đổi số: “Đến thời điểm này, khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn có quy mô và năng lực công nghệ khả năng cạnh tranh rất hạn chế. Mặc dù ở một số tập đoàn kinh tế tư nhân đã được hình thành nhưng việc áp dụng kinh tế số lại ở các lĩnh vực tài chính, kinh doanh bất động sản. Trong các doanh nghiệp nhỏ và và vừa chưa chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc cách mạng 4.0 và còn nhiều hạn chế nên rất bị động với xu thế mới”.
Chuyển đổi số đang là thách thức của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. (Ảnh minh họa: KT) |
Thực tế, việc chuyển đổi số của nhiều doanh nghiệp đang gặp phải những thách thức, khó khăn về hạ tầng, nguồn nhân lực và quyết tâm của chủ doanh nghiệp.
Bà Đỗ Minh Phương, đại diện tập đoàn VNPT cho biết, tập đoàn đã chuyển đổi số hóa thành công, thay đổi cơ sở vật chất, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, blockchain, phân tích dữ liệu lớn… nhằm đưa ra định hướng, xu thế phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời, VNPT cũng đang giúp các doanh nghiệp khác chuyển đổi số. Bà Phương cho rằng, để chuyển đổi số cho doanh nghiệp rất cần sự quyết tâm của người đứng đầu và nhận thức của từng nhân viên.
“Việc sử dụng công nghệ thông tin ở các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự tốt nên quá trình chuyển đổi số và công nghệ gặp khó khăn. Do đó rất cần đến ý chí của lãnh đạo, nhận thức của nhân viên đơn vị phải hiểu việc chuyển đổi số là quá trình tất yếu, chuyển đổi số ở tất cả các quy trình, nghiệp vụ của đơn vị dưới dạng số hóa hoàn toàn và sử dụng những công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn. Từ đó để đưa ra định hướng phát triển của doanh nghiệp”, bà Phương nói.
Nhiều chuyên gia nhận định, dù có nhiều lợi ích và xu thế phát triển mạnh mẽ, nhưng hiện doanh nghiệp Việt Nam mới ở giai đoạn khởi đầu của chuyển đổi số.
Theo điều tra năm 2018 của Bộ Công Thương, tỷ lệ doanh nghiệp mới nhập cuộc cách mạng 4.0 chiếm tới 82% doanh nghiệp và có tới 16/17 ngành khảo sát đang có mức độ sẵn sàng thấp dù phần lớn có ý thức “số”. Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh hiện này là cần có sự chuẩn bị kỹ và phải bắt đầu ngay từ hạ tầng đến các ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện của mình. Đồng thời, phải nhìn nhận vai trò quan trọng của đổi mới về công nghệ đối với việc nâng cao năng suất, chất lượng của hàng hóa, dịch vụ cũng như khả năng của doanh nghiệp.
Ông Hồ Tú Bảo, chuyên gia lĩnh vực kinh tế số cho rằng, để chuyển đổi số các doanh nghiệp cần thay đổi về cả nhận thức và hành động: “Câu chuyện chuyển đổi số là phương thức phát triển trong thời gian tới nên chúng ta phải gắn với việc này. Kinh tế số đang dần dần trở thành con đường chủ đạo của phát triển kinh tế. Do đó, cần phải thấu hiểu, tìm hiểu thêm về chuyển đổi số, mỗi một doanh nghiệp, mỗi tổ chức phải thay đổi cách làm việc, thay đổi mô hình kinh doanh với công nghệ mới. Mỗi tổ chức đều phải nghĩ cần thay đổi như thế nào về dữ liệu cũng như công nghệ tương ứng”.
Grab và Uber là hai trong số rất nhiều câu chuyện thành công về chuyển đổi số, là nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp muốn tiến kịp, tiến xa trong bối cảnh hiện nay phải chuyển đổi số. Vì vậy, nếu doanh nghiệp không chuyển mình, ứng dụng chuyển đổi số sẽ là đi chệch xu hướng mới và điều này chắc chắn sẽ tụt hậu, mất lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp cả ở sân nhà và sân chơi toàn cầu./.
Chuyển đổi số là sự chuyển dịch làm thay đổi diện mạo đất nước