Phát biểu trước Quốc hội ngày 26/10, đại biểu Phạm Trọng Nhân -  Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - đã đề cập đến tâm thế và nội lực của Việt Nam chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).

Ông Nhân nhấn mạnh: Một lực cản đáng kể trên con đường đi đến quốc gia khoa học công nghệ là một bộ phận dường như còn dị ứng với đổi mới sáng tạo. Khi cuộc chiến giữa VINASUN và GRAB chưa đi đến hồi kết thì mới đây Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông không cấp phép cho Facebook phát sóng Giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam hay khoản đầu tư 500 tỷ để phát triển khoa học, công nghệ của gốm sứ Minh Long không được hỗ trợ dù rất nhiều cơ quan chức năng vào cuộc, nhưng vẫn không tháo gỡ được, đã cho thấy tâm thế đó vẫn chưa sẵn sàng cho cuộc dấn thân lần này.

pham_trong_nhan_qxyj.jpg
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Phạm Trọng Nhân dẫn báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới cho thấy, về nội lực, Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia yếu kém dựa trên các tiêu chuẩn nền tảng để đánh giá mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất mới trong tương lai.

Về các yếu tố phát triển nhân lực, đổi mới sáng tạo tính trong 100 quốc gia, Việt Nam đứng thứ 70 về nguồn nhân lực, thứ 81 về chỉ số lao động chuyên môn cao, thứ 75 về chất lượng đào tạo đại học, thứ 90 về đổi mới công nghệ và sáng tạo, 92 về công nghệ nền, 77 về năng lực sáng tạo, trong khi các chỉ số này chính là hợp phần không thể thay thế cho phản ứng 4.0, ông Nhân cho hay.

Mới đây nhất báo cáo Diễn đàn kinh tế thế giới về cạnh tranh toàn cầu năm 2018 đã siết chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam thứ 95/140 quốc gia, trên Lào một bậc và kém Campuchia 3 bậc, trong khi chỉ số này được đánh giá là nguồn năng lượng của mỗi nền kinh tế số.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, phải xác định lại năng lực cạnh tranh quốc gia, giàu có tài nguyên không có ý nghĩa nhiều trong cuộc cách mạng số.

Tham gia phát biểu tại Nghị trường ngày 26/10, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) cũng đề cập đến cuộc CMCN 4.0.

Ông Bình cho rằng, cuộc cách mạng này về bản chất là quá trình biến đổi số, là sự chuyển đổi rộng lớn về mô hình kinh doanh chuyển từ mua, bán sang thuê, cung cấp dịch vụ hay còn gọi là nền kinh tế như dịch vụ. Amazon, Alibaba, Uber là những ví dụ tiêu biểu cho xu hướng kinh tế số, kinh tế chia sẻ đã giúp mọi thứ dịch vụ được hình thành.

Trong CMCN 4.0, công nghệ thông tin (CNTT) trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, và công nghệ thông tin không nên được coi là ngành riêng mà cần thiết được xem là yếu tố cấu thành của mọi hoạt động tương tự như yếu tố về nguồn nhân lực, tài chính, những yếu tố cốt lõi tạo ra giá trị gia tăng trong nền kinh tế số.

Ngành CNTT tạo doanh thu gấp 20 lần công nghiệp ô tô

Theo sách Trắng Công nghệ thông tin năm 2017, CNTT của Việt Nam đã có những bước phát triển quan trọng ở cả ba lĩnh vực sản xuất, ứng dụng và cung cấp dịch vụ, trong đó năm 2016, doanh thu phần cứng là 58,83 tỷ USD, chiếm 88%; công nghiệp phần mềm và nội dung số là 3,77 tỷ USD, chiếm 5,58% và dịch vụ công nghệ thông tin là 5.07 tỷ USD, chiếm 6,42 %. So với ngành công nghiệp ô tô, được coi là ngành rất nóng của năm 2016, tổng doanh thu là 3,7 tỷ USD thì ngành CNTT có doanh thu gấp khoảng 20 lần ngành công nghiệp ô tô.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Bình (Ảnh: TTXVN)

Mặc dù vậy, theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Bình, so với trình độ phát triển công nghệ thông tin của thế giới, CNTT của Việt Nam đang tụt hậu xa, chưa được tích hợp nhuần nhuyễn vào các hoạt động kinh tế - xã hội hay trong điều hành Chính phủ.

Đại biểu này đề xuất: Cần phải nhận thức đúng về yêu cầu chuyển đổi số, trong đó điều quan trọng là thống nhất nhận thức về tạo tài sản số và lợi thế kinh doanh số thông qua chiếm lĩnh mặt tiền kinh doanh trong không gian số thực; xây dựng hạ tầng số quốc gia và các tài sản số quốc gia.

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng điều chỉnh những việc chưa đúng xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ về công nghệ thông tin hay những gì đã lỗi thời. Tạo lập ra một Việt Nam số, xã hội số để người dân trở thành công dân của Việt Nam số. Khai thác một cách hợp lý những tiến bộ công nghệ tiên tiến của thời đại CMCN 4.0 để chiếm lĩnh những mặt tiền kinh doanh và thu hút đầu tư, ông Bình đóng góp ý kiến./.